Hội thảo quốc tế: “Giáo dục STEM trong trường phổ thông Việt Nam”

Ngày 30/5/2017, đã diễn ra Hội thảo: "Giáo dục STEM trong trường phổ thông Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án thí điểm “Áp dụng phương pháp giáo dục theo định hướng STEM của Vương Quốc Anh vào bối cảnh Việt Nam năm học 2016-2017” được Hội đồng Anh tại Việt Nam tài trợ cho Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT.

Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN với vai trò là đơn vị hỗ trợ tổ chức sự kiện  này.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành; Bà Cherry Gough – Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn; Các chuyên gia tư vấn quốc tế, đại diện các trường đại học, các trường THPT tham gia dự án.

Về phía Trường ĐHGD có TS. Nguyễn Đức Huy – Phó Hiệu trưởng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ, phương thức giáo dục STEM đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai từ năm học 2014-2015 thông qua việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn và tổ chức nghiên cứu khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học. Trong năm học 2016-2017 Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội đồng Anh triển khai thí điểm giáo dục STEM ở 15 trường trung học thuộc 05 tỉnh thành phố và thu được những kết quả tích cực. Thứ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích việc tăng cường hợp tác với các đối tác trong việc đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung và triển khai thí điểm phương thức giáo dục STEM.

 

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn  

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam, Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT và Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, một trong những khía cạnh quan trọng của nền công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng đến Việt Nam – đó là giáo dục STEM. Và Mô hình của ĐHQGHN đã và đang hướng tới giáo dục STEM. Trong đó, Trường ĐH Giáo dục cùng với các đơn vị thành viên đã và sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo giảng viên, giáo viên theo tiếp cận STEM. Tại dự án này, Trường THPT Khoa học Giáo dục trực thuộc trường ĐH Giáo dục vinh dự là 1 trong 15 trường phổ thông thực hiện thí điểm.

Phó Giám đốc tin tưởng rằng, Hội thảo sẽ là diễn đàn mở cho các nhà khoa học, các học giả và giảng viên học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thảo luận về sự phát triển của giáo dục STEM tại Việt Nam. Những khuyến nghị hiệu quả tại hội thảo sẽ mở ra những mô hình được áp dụng thành công không chỉ ở ĐHQGHN mà còn ở các trường học khác tại Việt Nam.

Bà Cherry Gough – Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam

Theo Bà Cherry Gough – Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, cách tiếp cận STEM là phương pháp ứng phó nhanh với công nghệ. Để làm được như vậy sẽ có nhiều thách thức trong việc trang bị kỹ năng thích nghi với sự thay đổi của thời gian và công nghệ.

Chương trình thí điểm STEM ở Việt Nam đang áp dụng theo mô hình của Vương quốc Anh, với 03 nội dung chính: thứ nhất, tập trung vào phương pháp giảng dạy mới để học sinh ham học, yêu thích các môn khoa học; thứ hai, giúp học sinh tham gia vào các dự án giải quyết được các vấn đề ở địa phương nơi các em sinh sống; thứ ba, Hội đồng Anh gửi những chuyên gia hàng đầu sang để giúp Việt Nam đưa chương trình giảng dạy STEM vào chương trình chính khóa. Thời gian thí điểm 1 năm là không dài tuy nhiên đủ để biết được các trường ở Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả như thế nào và đâu là khó khăn.

Bà Cherry Gough cũng cho rằng, vai trò quan trọng nhất trong việc ứng dụng hiệu quả chương trình giảng dạy STEM chính là học sinh và sự tham gia của các nhà khoa học trẻ sẽ khơi nguồn cho hứng thú giúp các em sẵn sàng cho chương trình khoa học trong tương lai.

Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học đã trình bày báo cáo tổng kết tình hình và kết quả thí điểm giáo dục STEM ở trường phổ thông trong thời gian qua.

Tiếp đó, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận những nội dung liên quan đến việc đánh giá tình hình triển khai thí điểm, những kết quả đạt được, khó khăn còn tồn tại trong quá trình triển khai, phân tích nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp đề xuất mô hình thực hiện đưa giáo dục STEM vào chương trình phổ thông Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và lãnh đạo Hội đồng Anh đã trao giải Sáng kiến Giáo dục STEM – SchoolLAB cho những cá nhân có sáng kiến xuất sắc.

Trường THPT Khoa học Giáo dục (HES) – trực thuộc trường ĐH Giáo dục là 1 trong 15 trường tham gia thực hiện thí điểm dự án. Để bắt kịp nhu cầu của thực tiễn và trở thành một nơi đào tạo tinh hoa, ươm mầm các tài năng trẻ thì việc áp dụng mô hình giáo dục STEM là một trong những định hướng mà HES đã và đang hướng tới. Và để áp dụng hiệu quả mô hình STEM, HES đã xác định được cho mình định hướng triển khai giáo dục STEM gắn với các nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán về đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt tổ chuyên môn với các chủ đề STEM, lên kế hoạch triển khai các chủ đề, thiết kế kịch bản giảng dạy; tận dụng sức mạnh và lợi thế từ nguồn chuyên gia, giảng viên của trường ĐHGD. Đặc biệt tập trung vào việc thu hút người học, thức tỉnh trong tâm hồn các em học sinh tính ham hiểu biết, tìm tòi, khám phá và hoạt động tích cực trong lĩnh vực khoa học.

 

UED Media

12:05 31/05/2017

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ