Đạo đức nghiên cứu – Hội đồng đạo đức nghiên cứu trong KHXH hành vi

Ngày 1/6/2018, Trung tâm Thông tin Hướng nghiệp và Nghiên cứu, Ứng dụng tâm lý thuộc Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN đã tổ chức Seminar với chủ đề: “Đạo đức nghiên cứu-Hội đồng đạo đức nghiên cứu trong khoa học xã hội và hành vi”

Tham dự Seminar, về phía ĐH Giáo dục có GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học chuyên ngành Tâm lý học Lâm sàng Trẻ em và Vị thành niên.

Về phía khách mời có TS. Nguyễn Đức Anh – Phó Trưởng ban Hợp tác và Phát triển, PGS.TS Vũ Đỗ Long – Giám đốc Trung tâm Khảo thí, TS. Bùi Vũ Anh – Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng.

 

 

PGS.TS Bahr Weiss đến từ Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, là diễn giả trình bày Seminar.

Trong bài trình bày của mình, PGS.TS Bahr Weiss, đã trao đổi về các chủ đề: đạo đức nghiên cứu, lịch sử hình thành Hội đồng Đạo đức Nghiên cứu trên thế giới, vai trò của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu nhằm bảo vệ quyền và phúc lợi của con người và cấu trúc - các quy trình hoạt động của Hội đồng Đạo đức Nghiên cứu.

 

 

Theo PGS.TS Bahr Weiss chia sẻ, Hội đồng Đạo đức Nghiên cứu trong khoa học xã hội và hành vi đã có lịch sử phát triển lâu đời. Trên thế giới, Hội đồng Đạo đức Nghiên cứu được hình thành từ những năm 1970 với mục đích nhằm bảo vệ khách thể tham gia nghiên cứu khỏi các nguy cơ bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần.

Quy trình thực hiện Hội đồng Đạo đức khác nhau ở các nước khác nhau. Ở Mỹ, Hội động Đạo đức Nghiên cứu có trách nhiệm đảm bảo rằng các nghiên cứu phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Tối đa lợi ích và giảm thiểu nguy cơ khi thiết kế nghiên cứu;

- Bảo vệ nghiệm thể khỏi tổn thương;

- Nghiệm thể chấp nhận tham gia nghiên cứu khi có đủ thông tin;

- Nghiệm thể chấp nhận tham gia tự nguyện;

- Thu thập dữ liệu khuyết danh hoặc bảo mật thông tin;

- Đề cương nghiên cứu được xét duyệt bởi Hội đồng Đạo đức;

- Báo cáo kết quả nghiên cứu trung thực.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong buổi seminar như: Ở Việt Nam, chưa có hội đồng đạo đức, thì việc xét duyệt nghiên cứu làm như thế nào trong bối cảnh các lĩnh vực khác nhau? Có cần thiết phải có hội đồng đạo đức cho các ngành nghề khác như công nghệ thông tin hay y sinh? Giả thuyết trong trường hợp đã có Hội đồng Đạo đức và Hội đồng đã xét duyệt cho một nghiên cứu được thực hiện, nếu nghiên cứu khi triển khai gây ra rủi ro mà quá trình xét duyệt không dự báo được, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Tại Việt Nam, đến nay, chỉ có ngành Y dược có quy định về Hội đồng Đạo đức do Bộ Y tế đưa ra và được các trường trong lĩnh vực Y tế thực hiện, trong khi việc bảo vệ nghiệm thể là nguyên tắc đạo đức hàng đầu cho các nhà nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến con người.

Buổi seminar đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cần thành lập Hội đồng Đạo đức Nghiên cứu cho các ngành khoa học xã hội và hành vi tại Việt Nam hiện nay.

 

06:06 01/06/2018

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ