Xây dựng văn hóa ứng xử học đường – bắt đầu từ những lớp học hạnh phúc và kỹ năng nhân cách người thầy

Vị thế của thầy cô trong lòng học trò cùng với lượng thời gian thầy cô dành cho trẻ làm giáo viên trở thành những người thứ hai có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh chỉ sau cha mẹ các em. Vì vậy, để hình thành chuẩn mực hành vi ứng xử của học sinh ở nhà trường, có lẽ cần phải bắt đầu từ tấm gương nhân cách hành vi của người giáo viên.

Để xây dựng văn hóa ứng xử đẹp trong môi trường học đường nói chung, cần phải bắt đầu từ việc tạo ra những lớp học hạnh phúc.

Thế nào là lớp học hạnh phúc? Lớp học hạnh phúc là lớp học do người giáo viên tạo ra, đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của học sinh để các em được phát triển tiềm năng một cách toàn diện. Trong một lớp học hạnh phúc, các em sẽ cảm thấy an toàn, được yêu thương, được tôn trọng, được giáo viên hiểu và cảm thông, được thấy bản thân có những giá trị riêng độc đáo.

Và đặc điểm nhân cách và hành vi ứng xử của người giáo viên sẽ là nguyên liệu chính, bản thân người giáo viên sẽ là bếp trưởng để chế biến ra những tiết học hạnh phúc.

Các em sẽ có những tiết học với cảm giác an tâm khi được thầy cô khoan dung và coi mọi lỗi lầm mắc phải đều là cơ hội để học tập và lớn lên. Cảm giác an tâm cũng sẽ được củng cố khi người giáo viên kiên định làm gương các chuẩn mực hành vi ứng xử, xử lý các tình huống một cách công bằng và khẳng định với học sinh rằng mọi người đều có quyền được bảo vệ và không ai có quyền được làm tổn thương người khác.

Các em sẽ có những tiết học tràn đầy yêu thương nếu thầy cô luôn có mặt hỗ trợ với những cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần và thân mật. Học sinh sẽ cảm nhận được quan tâm của các thầy cô khi thường xuyên nhận những lời động viên, khích lệ, biểu dương từ cô thầy.

Học sinh sẽ cảm thấy được hiểu, được thông cảm khi mọi cảm xúc của các em được lắng nghe. Thầy cô hiểu rõ những đặc điểm tâm lý lứa tuổi và tạo điều kiện cho trẻ diễn đạt ý nghĩ và cảm xúc của mình không e ngại. Với mọi câu hỏi kể cả những “câu hỏi ngớ ngẩn”, học sinh luôn nhận được câu trả lời rõ ràng với sự khoan dung.

Sẽ có những tiết học mang đầy giá trị tôn trọng khi thầy cô dành thêm chút thời gian lắng nghe trẻ một cách ân cần, dừng lại chút xíu để kịp nhận ra những cảm xúc của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ tham gia thiết lập nội quy của lớp và thống nhất thực hiện. Trước những hành động phạm quy, thầy cô hành động bình tĩnh để giúp học sinh tự kiểm soát và điều chỉnh thay vì sử dụng kỷ luật khắc nghiệt để trừng phạt.

Học sinh sẽ cảm thấy mình có giá trị, có những điểm mạnh riêng khi thầy cô luôn tìm ra và chấp nhận những điểm hợp lý trong ý kiến của học sinh, tạo điều kiện cho trẻ nói và bộc lộ những khả năng của mình, tổ chức để học sinh có cơ hội kiểm nghiệm những ý tưởng hợp lý của mình.

Trong những lớp học không hạnh phúc, nơi các em không cảm nhận mình được yêu thương, tôn trọng và có giá trị, sẽ có nhiều hành vi bạo lực và không phù hợp. Những hành vi bạo lực không phù hợp đó chính là cách các em thể hiện sự ấm ức của bản thân, là cách thức đòi hỏi sự chú ý của người lớn đến mình và có thể là sự trả đũa cô thầy đã ứng xử không công bằng với mình. Còn trong lớp học hạnh phúc, vì được giáo viên làm mẫu và được đối xử theo cách yêu thương, tôn trọng, học sinh sẽ tự giác hành động theo nội quy và sẽ lặp lại những hành động yêu thương tôn trọng với những người khác, những bối cảnh khác ngoài lớp học.

Tuy nhiên, để trở thành bếp trưởng của những lớp học hạnh phúc, người giáo viên học tập và tự trang bị cho mình những phương thức chế biến và những công cụ hỗ trợ. Đó là kỹ năng quản lý hành vi lớp học với những chiến lược phòng ngừa và tái định hướng những hành vi xấu có thể xảy ra trong những tiết học hạnh phúc.

Tạo hứng thú và lôi kéo học sinh vào bài giảng là chiến lược phòng ngừa hành vi xấu hữu hiệu nhất. Thầy cô cần phải phổ biến rõ ràng về các nội quy và kỳ vọng của mình với học sinh, truyền đạt trước những mục tiêu bài giảng, tạo hứng thú với bài học bằng nhiều tài liệu đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh tham gia tích cực vào bài học với những câu hỏi suy ngẫm.

Để tạo thêm hứng thú với bài học, thầy cô phải giúp các em trải nghiệm nhiều thành công hơn thất bại. Cô thầy có thể điều chỉnh các nhiệm vụ cho phù hợp với khả năng của người học, hỗ trợ thêm nhưng học sinh khó khăn hơn để tất cả đều đạt được năng lực hành vi. Nếu người thầy tạo ra được một môi trường có thể chấp nhận các sai lầm cá nhân thì tất cả học sinh sẽ hào hứng và cuốn theo bài học với những ý tưởng sáng tạo độc đáo nhất. Đó là cách bền vững nhất để phòng ngừa những hành vi sai xảy ra trong lớp.

Tất nhiên, cũng sẽ có hành vi sai sẽ xảy ra trong lớp. Để phòng ngừa, giáo viên cần sớm chú ý đến hành vi này bằng cách nhìn, bước về phía học sinh có khả năng gây rối, chú ý đến những công việc mà học sinh đó làm, loại bỏ những kích thích tiềm năng dẫn đến hành vi sai, nói riêng với học sinh đó về những hành vi thầy cô mong muốn cũng như những hậu quả của hành vi sai đến việc dạy và học trong lớp.

Một trong những hình thức tái định hướng hành vi lớp học chính là phớt lờ những lỗi hành vi nhỏ và khen hành vi thầy cô mong muốn. Ví dụ thay vì phê bình một học sinh đang mất trật tự, cô giáo tuyên dương bạn học sinh ngồi bên cạnh vì đã giữ trật tự và chăm chú nghe giảng. Giáo viên cũng có thể gửi đến học sinh đang có hành vi ứng xử sai những thông điệp phi ngôn ngữ kín đáo để nhắc nhở (ví dụ như đặt một ngón tay trên môi để thể hiện muốn học sinh trật tự hay đơn giản chỉ cần nhìn hoặc chỉ vào công việc học sinh cần làm). Giáo viên cũng có thể nhẹ nhàng di chuyển học sinh đến một khu vực thích hợp để học sinh có thể tập trung chú ý hơn. Thầy cô cũng có thể nhắc nhở học sinh tiếp tục làm bài bằng cách hỏi học sinh bài tập đã được giải quyết đến đâu, học sinh đang định làm gì tiếp theo, nhắc học sinh nhớ đến những quy tắc lớp đã thống nhất trong tiết học…

Với những lỗi hành vi có thể leo thang, giáo viên cân nhắc cách ly học sinh để đảm bảo tiến độ bài học của cả lớp. Giáo viên cũng cần có kỹ năng để thực hiện những cuộc gặp riêng để chia sẻ những quan điểm và ảnh hưởng của hành vi gây rối đến hoạt động dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh chia sẻ quan điểm riêng của mình; yêu cầu học sinh tự xác định các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề, để cùng nhất trí và đi đến cam kết. Tất cả những kỹ năng này cần phải được luyện tập sử dụng hợp lý để quản lý nguy cơ hành vi tốt, góp phần tạo ra những lớp học hạnh phúc.

Xây dựng văn hóa học đường cần bắt đầu từ việc xây dựng văn hóa nội quy lớp học. Đặc điểm nhân cách và kỹ năng quản lý lớp học của người thầy là những yếu tố không thể thiếu để tạo ra một môi trường kiến tạo, phát huy tối đa tiềm năng học tập và các năng lực cảm xúc xã hội của học sinh. Và người thầy, người đóng vai trò nhạc trưởng trong bản giao hưởng những giờ học hạnh phúc chính là những tấm gương, người truyền đi những thông điệp yêu thương, đồng cảm và tôn trọng trong hành vi ứng xử của những lứa học trò.  

Trần Thành Nam

02:07 05/07/2018

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ