Tám sự kiện và thành tựu tiêu biểu của Trường ĐHGD năm 2018

Năm 2018 – một năm ghi nhận những dấu ấn quan trọng trên các lĩnh vực công tác. Trường Đại học Giáo dục (ĐHGD) - ĐHQGHN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Tám sự kiện và thành tựu tiêu biểu của Trường trong năm 2018.

1. THAM GIA CÁC NHÓM XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHỤC VỤ ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC

Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHGD) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) với tư cách thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực, thành viên Tổ biên tập Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã tích cực tham gia các hoạt động tham vấn chính sách của Quốc hội, Chính phủ và Ban Tuyên giáo Trung ương. Các nhà khoa học của Nhà trường cũng đã có những nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đóng vai trò chủ chốt trong Hội thảo của ĐHQGHN diễn ra ngày 18/9/2018 với chủ đề “05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”. Hội thảo nhằm phân tích, thảo luận các kết quả và nêu ra những vấn đề trong quá trình triển khai đổi mới, đề xuất các giải pháp phục vụ để công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo thành công. Đây là dịp để các nhà quản lý và các nhà khoa học tại Việt Nam đánh giá tổng quan về những thành tựu và thách thức sau 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. 

Các chuyên gia, nhà khoa học của Trường Đại học Giáo dục đóng góp vào các chính sách, quy định, phục vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo như: trực tiếp nghiên cứu và xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế quy định cũ, được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng để ban hành Thông tư số 20/2018/BGD&ĐT về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; tham gia đóng góp xây dựng chuẩn Hiệu trưởng phổ thông và nhiều chuẩn khác; tham gia một cách tích cực trong các hoạt động tham vấn xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến vấn đề tự chủ đại học và điều kiện thực hiện tự chủ đại học.

2. TIÊN PHONG PHÁT TRIỂN CÁC LĨNH VỰC ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU MỚI TRONG KHOA HỌC GIÁO DỤC

Bên cạnh thế mạnh truyền thống trong đào tạo giáo viên theo mô hình (a+b), Trường ĐHGD tích cực mở ra các hướng nghiên cứu và đào tạo mới về khoa học giáo dục. Những ngành/chuyên ngành đang có (Quản lý Giáo dục, Quản trị trường học, Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đo lường và Đánh giá trong giáo dục) tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng.

Năm 2018 đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục theo đúng sứ mạng và định hướng phát triển của Nhà trường là “đại học định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục”, và “sử dụng các thành tựu của nghiên cứu Khoa học giáo dục phục vụ cho đào tạo giáo viên”. Những lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo mới, liên ngành, lần đầu tiên được ĐHQGHN phê duyệt phù hợp với xu thế đổi mới và việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông như: cử nhân Quản trị Công nghệ Giáo dục; cử nhân Khoa học Giáo dục; cử nhân Tham vấn học đường; cử nhân Quản trị Chất lượng Giáo dục; cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên. Các chương trình này đã được ĐHQGHN thẩm định và sẽ triển khai tuyển sinh đào tạo từ năm 2019 (riêng cử nhân ngành Quản trị công nghệ giáo dục triển khai đào tạo từ cuối năm 2018).

3. ĐẤU THẦU THÀNH CÔNG NHIỀU NHIỆM VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC GIÁO DỤC VÀ CỦA QUỸ NAFOSTED, CŨNG NHƯ CỦA CÁC TỈNH THÀNH

Ngoài 3 đề tài Khoa học Nhà nước đang triển khai, năm 2018, các nhà khoa học của Trường ĐHGD tiếp tục đấu thầu thành công thêm 4 đề tài Nhà nước, 1 đề tài quỹ NAFOSTED, 1 đề tài cấp Bộ (GD&ĐT), 2 đề tài với các tỉnh/thành, 3 đề án hợp tác nghiên cứu quốc tế với các tổ chức song phương và đa phương.

Thành tích nghiên cứu khoa học gia tăng đáng kể so với năm 2017, thể hiện ở số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế. Chỉ số công bố đạt 1,5/giảng viên; trong đó, chỉ số công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI/SCOPUS là gần 0,2/giảng viên.

Nhà trường tăng cường đáng kể tổng nguồn ngân sách cho nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Mức đầu tư trung bình cho một đề tài cấp trường nếu được duyệt tăng 400% so với năm trước. Ngoài ra, Trường cũng chính thức thực hiện chính sách thưởng đến 30 triệu/bài báo trên các tạp chí ISI/SCOPUS.

Những đổi mới trong phương thức giao đề tài, không chỉ áp dụng cho cán bộ giảng viên của Trường Đại học Giáo dục mà còn áp dụng cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tham gia NCKH.

4. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU THÀNH TỰU TRONG HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC PHÁT TRIỂN TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

Hoạt động hợp tác phát triển trong nước tiếp tục mở ra nhiều cơ hội với các tổ chức quốc tế, các trường đại học đối tác trong và ngoài nước, các Viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, các địa phương, và các tổ chức giáo dục ngoài công lập, nhiều trường phổ thông ở nhiều tỉnh/thành.

 

Hoạt động Hợp tác Quốc tế với nhiều dự án được kí kết và triển khai: dự án Số hóa và đổi mới hoạt động dạy học theo cách tiếp cận lấy học sinh làm trung tâm nhằm tăng cường khả năng có việc làm cho sinh viên Việt Nam” phối hợp với Đại học Birmingham và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh; Dự án “Trung tâm chất lượng cao Anh – Việt: Thiết kế, xây dựng và nghiên cứu sự ảnh hưởng của số hóa sách giáo khoa đối với phương pháp sư phạm” phối hợp với Đại học Hull (Vương Quốc Anh), Trường ĐHSP Đà Nẵng và Hội đồng Anh; Dự án Nghiên cứu bài học tại trường THCS Nguyễn Trực kết hợp với trường Đại học Hiroshima. Đặc biệt, dự án nghiên cứu “Chương trình đào tạo giáo viên - học giả nghiên cứu cho khu vực Thái Bình Dương: Ứng dụng công nghệ hình ảnh trong nghiên cứu giảng dạy và học tập” của trường ĐHGD trở thành dự án đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam về công nghệ giáo dục được tài trợ bởi dự án FIRST.

Ngoài ra, Nhà trường tiếp tục phối hợp với trường Đại học Waikato, New Zealand thực hiện các chương trình “Hợp tác xây dựng chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản lý Giáo dục” theo mô hình 1+1.

5. ĐÓNG GÓP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC CÁC CẤP

Công tác bồi dưỡng ngắn hạn khởi sắc và phát triển cả về số lượng và chất lượng, các chương trình: nghiệp vụ Quản lý giáo dục, quản trị trường học, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp các cấp từ mầm non đến đại học, bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn học sinh, bồi dưỡng kĩ năng sống, giá trị sống; bồi dưỡng về phương pháp dạy học hiện đại... Riêng năm 2018, có tổng số 16.160 lượt người học được ĐHGD bồi dưỡng; trong đó bao gồm: 2.084 giảng viên, 250 cán bộ quản lí giáo dục, 6.367 giáo viên mầm non, 7.179 giáo viên phổ thông, 280 giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh.

Nhà trường đã mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái nguyên, Thái Bình, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bắc Kạn… và nhiều trường đại học/Cao đẳng trong việc triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, giảng viên, giáo viên.

Hoạt động bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục và các địa phương trong cả nước đã góp phần không nhỏ trong việc phục vụ cộng đồng và khẳng định thương hiệu của trường ĐHGD trong toàn xã hội.

6. CÔNG TÁC TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, SAU ĐẠI HỌC VÀ THPT GIỮ VỮNG QUY MÔ VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

Trường ĐHGD tiếp tục tuyển sinh đại học chính quy thành công theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn về tuyển sinh của các trường sư phạm, Nhà trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng. Trường THPT Khoa học Giáo dục (HES) trực thuộc trường ĐHGD cũng đã tạo dựng được uy tín và thương hiệu khẳng định qua số lượng hồ sơ và tỷ lệ chọi cao, qua đó, trường tuyển đủ học sinh với chất lượng đầu vào tốt.

 

Đào tạo đại học có 2 chương trình đào tạo (CTĐT) mới được ban hành và tuyển sinh trong năm 2018: cử nhân Quản trị trường học và cử nhân Quản trị Công nghệ Giáo dục. Đặc biệt, ngành cử nhân Quản trị trường học lần đầu tiên tuyển sinh đã tuyển đủ chỉ tiêu. Chương trình Quản trị Công nghệ Giáo dục đang được gấp rút làm các thủ tục tuyển sinh.

Trong bối cảnh tuyển sinh sau đại học của nhiều trường khó khăn, quy mô tuyển sinh sau đại học của Nhà trường giữ ổn định so với các năm trước. Tỷ trọng đào tạo sau đại học đạt khoảng 40% - đạt mức quy định về đại học nghiên cứu được quy định trong Nghị định 73/2015/NĐ-CP về “Tiêu chuẩn phân tầng, Khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học". Cơ cấu đào tạo này phù hợp với chiến lược phát triển thành đại học nghiên cứu của Trường.

7. TIÊN PHONG TRONG KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THẠC SĨ

Ngày 30/06/2018, Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục (KĐCLGD) - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM) đã trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành LL&PPDH Bộ môn Toán cho trường ĐHGD – ĐHQGHN với số tiêu chí đạt yêu cầu: 47/50 (chiếm 94%).

Chương trình đào tạo LL&PPDH Bộ môn Toán đã được Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài cũng như Hội đồng Kiểm định chất lượng của Trung tâm KĐCLGD – ĐHQG TPHCM đánh giá cao bởi đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy có trình độ chuyên môn tốt, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín cao trong lĩnh vực học thuật. Giảng viên áp dụng tốt các phương pháp dạy học tích cực, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo và hợp tác của người học. Học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sĩ LL&PPDH Bộ môn Toán của Nhà trường 100% đều có việc làm và được thăng tiến trong nghề nghiệp.

Trường ĐHGD đã được kiểm định chất lượng cấp đơn vị và là đơn vị đào tạo giáo viên  đầu tiên có chương trình đào tạo bậc thạc sĩ được kiểm định chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT.

Hiện nay, Nhà trường đang tiếp tục triển khai đánh giá ngoài cho Chương trình đào tạo Thạc sĩ LL&PPDH Bộ môn Ngữ văn và Chương trình Cử nhân Sư phạm Toán học theo Bộ tiêu chuẩn Kiểm định cấp chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT và giữa năm 2019 sẽ thực hiện kiểm định chất lượng toàn bộ các chương trình đào tạo giáo viên của trường.

8. HOÀN THIỆN CƠ CẤU TỔ CHỨC, THU HÚT ĐƯỢC THÊM ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN CHẤT LƯỢNG CAO VÀ NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ TIẾP TỤC ĐƯỢC NÂNG CAO

Hiện tỷ lệ tiến sĩ trong số giảng viên cơ hữu của Trường đạt 84% và tỷ lệ GS/PGS là 30%. Đây là mức rất cao trong toàn Ngành. Tuy vậy, Năm 2018, Trường ĐHGD vẫn tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo định hướng nghiên cứu; tiếp tục thu hút được thêm đội ngũ giảng viên chất lượng cao và triển khai nhiều hoạt động phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên, chuyên viên đáp ứng định hướng phát triển trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tháng 2/2018 trường thành lập Khoa Quản trị Chất lượng và Khoa Công nghệ Giáo dục theo mô hình phối thuộc, tạo tiền đề vững chắc cho định hướng phát triển các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học giáo dục cập nhật với xu thế quốc tế và nhu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.

Trong năm 2018, trường cũng đã thu hút thêm 1 giáo sư, 03 phó giáo sư và 03 tiến sĩ.

Năng lực của giảng viên cũng được nâng cao thêm một bước. Các khóa đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giáo dục (kỹ năng khai thác bảng thông minh, hệ thống Moodle, hệ thống kiểm tra trùng lặp chống đạo văn DoIt, các phần mềm hỗ trợ giảng dạy, sử dụng GIS trong soạn bài, v.v.) được tổ chức cho mọi giảng viên liên quan.

Ngoài ra, các chương trình tập huấn tham vấn học đường, giá trị sống và kĩ năng sống, văn hoá công sở và công tác hành chính trong trường đại học cho đội ngũ giảng viên, chuyên viên đã được tổ chức góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên trong toàn Trường.

07:01 04/01/2019

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ