Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để dạy môn Khoa học Tự nhiên theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Chiều 5/4/2019, tại Hội trường P. 401, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới”.

Làm gì để không ngừng gia tăng tính hiệu quả trong tiếp cận và tổ chức chương trình đào tạo, chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng Chương trình phổ thông mới? Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để dạy một môn học lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên?” là trăn trở đồng thời cũng là nhiệm vụ mà lãnh đạo Trường ĐH Giáo dục quyết tâm thực hiện.

Với tinh thần đó, Ban Giám hiệu Trường ĐH Giáo dục mong muốn, buổi tọa đàm với sự có mặt của các chuyên gia nghiên cứu, thiết kế Chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (GV) dạy môn Khoa học tự nhiên (KHTN) cấp THCS có cơ hội được lắng nghe nhu cầu và ý kiến góp ý của các đại biểu là Lãnh đạo các đơn vị trực tiếp sử dụng và vận hành nhân sự: các Phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường THCS trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trường ĐHGD là 1 trong những đầu mối quan trọng tham gia xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục GS.TS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều vấn đề liên quan tới giáo dục THCS. Việc chuyển đổi đội ngũ giáo viên hiện nay đang dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hướng tới có thể dạy môn Khoa học tự nhiên sẽ được triển khai đồng loạt vào năm 2021. Tuy nhiên, các trường hiện nay vẫn còn lúng túng với nhiều câu hỏi “Dạy tổ hợp như thế nào? Dạy tích hợp như thế nào? Dạy môn KHTN như thế nào? Chương trình bồi dưỡng GVKHTN sẽ gồm các nội dung nào?”.

Để chuẩn bị cho việc triển khai dạy học môn KHTN cấp THCS, Bộ GD&ĐT đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho một số cơ sở đào tạo GV trong đó có Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN làm việc với địa phương để nắm bắt nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng GV chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021.

Năm 2019 là năm đầu tiên Trường ĐH Giáo dục tổ chức tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành Cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết thêm, hiện cả nước có 02 cơ sở đào tạo GV được cấp phép đào tạo chuyên ngành Cử nhân Sư phạm KHTN với phương thức tổ chức và triển khai đào tạo có nhiều điểm khác nhau. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong đào tạo Cử nhân Sư phạm KHTN tại trường ĐH Giáo dục là các nội dung KHTN được tích hợp vào giảng dạy, gắn kết và tổ hợp ngay từ những học phần đầu tiên ở năm đầu tiên. Năm 2019, Trường ĐH Giáo dục được Bộ GD&ĐT giao cho tuyển sinh và đào tạo 80 chỉ tiêu ngành Cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên.

Sau phát biểu của Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm - đơn vị chính tập trung triển khai đào tạo ngành Cử phân Sư phạm KHTN đã giới thiệu về việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. PGS.TS Nguyễn Chí Thành nêu rõ 03 điểm mới trọng tâm của chương trình giáo dục phổ thông mới: phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Kế hoạch giáo dục; Định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá về kết quả giáo dục.

Theo PGS Nguyễn Chí Thành, đứng trước những thay đổi đó, yêu cầu về bồi dưỡng giáo viên được đặt lên hàng đầu. Điều này đồng nghĩa với việc: xây dựng các ngành học mới; phát triển chương trình đào tạo các ngành truyền thống; tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và kĩ năng nghiệp vụ; đổi mới mô hình, phương thức đào tạo theo hướng vận dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quá trình đào tạo. Đây cũng là cơ sở, luận điểm chính trong việc thiết kế Đề án bồi dưỡng giáo viên KHTN của Trường ĐH Giáo dục và được giới thiệu nhằm tham khảo ý kiến của các đại biểu tham dự.

Những tính hiệu tích cực ban đầu trong việc Khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng giáo viên KHTN tại một số trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như vùng lân cận do PGS.TS Nguyễn Chí Thành cung cấp cho thấy chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên KHTN tại trường ĐH Giáo dục được đánh giá tích cực và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Trao đổi về định hướng chuyển đổi GV Vật lý, Hóa học, Sinh học sang dạy môn KHTN theo Chương trình GDPT mới theo tiếp cận của Trường ĐHGD- ĐHQGHN, PGS.TS Mai Văn Hưng đã giới thiệu với các đại biểu về bối cảnh dạy học các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ở Việt Nam và Quốc tế; Bức tranh chung trong đào tạo giáo viên bậc Cao đẳng sư phạm và dạy học các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên tại bậc THCS của Việt Nam. Chương trình đào tạo Cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên, Chương trình bồi dưỡng giáo viên Vật lý, giáo viên Hóa học, giáo viên Sinh học để có thể dạy học môn Khoa học Tự nhiên được xây dựng trên cơ sở và quan điểm tiếp cận đó.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Quận Cầu Giấy và Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Quận Hoàn Kiếm đã đưa ra nhiều ý kiến gắn với thực tế cho Trường ĐH Giáo dục trong công tác đào tạo. bồi dưỡng giáo viên dạy môn KHTN tại địa phương

Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục, lãnh đạo trường THCS cũng đã thảo luận, cho nhiều ý kiến quý báu từ thực tiễn cho Trường ĐH Giáo dục để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên KHTN. Nhiều ý kiến mới, sát thực và hiệu quả của các đại biểu đưa ra được Nhà trường đón nhận và đánh giá cao như: giảng viên nguồn theo từng chuyên đề, phương thức đào tạo bồi dưỡng sử dụng công nghệ, nguồn tài liệu và các phương tiện hỗ trợ đào tạo…Nhiều lãnh đạo Phòng Giáo dục đã đề nghị nhà trường hỗ trợ trong việc thiết kế các Đề án Đào tạo và Bồi dưỡng giáo viên KHTN cho đơn vị mình để kết hợp được tốt nhất tiềm năng của các đối tác khác nhau tham gia vào quá trình đào tạo và bồi dưỡng.

UED Media

01:04 07/04/2019

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ