Hội thảo khoa học Quốc tế: “Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức”

Ngày 28/12/2020, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế: “Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức”.

Khoa Các Khoa học Giáo dục là đơn vị đầu mối chủ trì tổ chức sự kiện.

Tham dự Hội thảo, về phía Trường ĐH Giáo dục có, TS. Nguyễn Đức Huy - Phó Hiệu trưởng, Ban Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên.

Về phía các đơn vị tài trợ có: Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng, Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục iGARTEN, Viện đào tạo EDLEAD, Trường mầm non Lãnh Đạo Nhí, Trung tâm CERA, Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục Hừng Đông, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt - Pháp, Jello Academy, Trung tâm Công tác Xã hội và Phát triển Cộng đồng.

Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị báo chí, truyền thông.

TS. Nguyễn Đức Huy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - TS. Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình phát triển những năm đầu đời làm nền tảng cho sự phát triển tinh thần và thể chất, văn hóa và trí tuệ của trẻ trong tương lai. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh triển khai giáo dục cá nhân hóa, phát triển hệ thống học tập suốt đời thì các tri thức, công cụ, phương tiện cho giai đoạn phát triển sớm của trẻ được diễn ra một cách an toàn, lành mạnh và có lợi nhất ngày càng trở nên quan trọng. 

Trường ĐH Giáo dục quan tâm và kỳ vọng vào chủ đề Giáo dục sớm dưới nhiều hình thức: nghiên cứu đơn lẻ, nghiên cứu nhóm, nghiên cứu theo hệ thống theo hướng lâu dài và mở rộng, đào tạo, hợp tác và chuyển giao công nghệ…

Hiện nay, Nhà trường đang vận hành và triển khai các chương trình đào tạo mới về khoa học giáo dục: tâm lý giáo dục, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khoa học sức khỏe theo hướng tiếp cận liên ngành; nâng cao mức độ quốc tế hóa các chương trình đào tạo đại học và sau đại học; gia tăng các công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Các dự án đã triển khai như: dự án Panel Theater – dạy học mầm non dưới hình thức kịch vải hợp tác với Trường Đại học Shukutoku, Nhật Bản; dự án phát triển các bộ công cụ định chuẩn theo dõi sự phát triển trẻ em Việt Nam – ASQ3 và đánh giá sự phát triển của trẻ cho các vùng miền – thang EAP-EDCS hợp tác với Vụ Giáo dục Mầm non. 

Năm 2019, Khoa Các Khoa học Giáo dục được Trường ĐH Giáo dục giao nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo ngành Giáo dục mầm non dựa trên những lợi thế về nguồn lực thuộc lĩnh vực Tâm lý học Lâm sàng Trẻ em và Vị thành niên, Tham vấn học đường. Ngành đào tạo cử nhân Giáo dục Mầm non tuyển sinh trong năm 2020 với 120 chỉ tiêu là một trong những ngành đào tạo non trẻ nhất tại Trường, song nội dung đào tạo của chương trình đã thu hút được sự chú ý lớn từ cộng đồng.

Hội thảo khoa học Quốc tế: “Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức” được tổ chức với mong muốn tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các thầy cô giáo, học viên công bố và chia sẻ các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực giáo dục sớm; đề xuất mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đưa ra giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng giáo dục sớm tại Việt Nam. 

TS. Nguyễn Đức Huy hy vọng, hội thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn mở ra cơ hội hợp tác giữa các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong giáo dục mầm non.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Thành Nam trình bày đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đầu đời và tầm nhìn về giáo dục sớm đến năm 2030. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, các nhà khoa học thần kinh và các nhà giáo dục học đều nhất trí với nhau rằng những trải nghiệm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và năng lực học tập khi trưởng thành. Bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường. Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ có nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành. Những tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này. Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng như vậy. Và đó cũng chính là lý do và tầm quan trọng của việc giáo dục sớm.

Việc tìm hiểu sự phát triển trẻ thơ ở từng vùng miền cụ thể của Việt Nam là cần thiết để có những can thiệp giúp phát triển trẻ trong những giai đoạn đầu đời. Đó cũng là nền tảng để Nhà trường tham mưu cho các cơ quan quản lý chính sách, cung cấp gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách ra quyết định.

Trường ĐH Giáo dục cảm ơn dự đồng hành của các đơn vị tài trợ

Sau phiên khai mạc, Hội thảo chính thức diễn ra với 02 phiên làm việc gồm các nội dung:

Phiên 1: chủ đề: Giáo dục sớm từ lý luận đến thực tiễn

Tại phiên làm việc này, 06 tham luận được trình bày và thảo luận: Sân khấu hóa trong giáo dục mầm non - Lý luận - GS. TS. Yoshiko Fujita Trường ĐH Shukutoku, Nhật Bản; Thang đo phát triển sớm trẻ em Đông Á – Thái Bình Dương ở Việt Nam: Nghiên cứu hiệu lực - PGS.TS Trần Thành Nam; Phát triển trẻ thơ toàn diện trong thời đại 4.0 và hội nhập quốc tế - PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện nghiên cứu Tiềm năng con người IDP; Kinh nghiệm triển khai đào tạo giáo viên mầm non về giáo dục sớm - Ths. Vũ Huyền Trinh - Vụ Giáo dục mầm non; Phương pháp Montessori và ứng dụng phương pháp Montessori tại Hàn Quốc - GS.TS. Moon Chang Sook - Cố vấn chuyên môn của Viện đào tạo giáo viên Montessori Helia, Hàn Quốc.

Phiên 2: chủ đề: Các phương pháp giáo dục hiện đại và vận dụng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non 

Tại phiên làm việc này, 06 tham luận  được trình bày và thảo luận: Sử dụng công nghệ trong việc học ngôn ngữ từ sớm cho trẻ nhỏ - những kinh nghiệm từ Phần Lan - Th.S Saga Arola, Trưởng bộ phận nghiên cứu sư phạm, công ty Playvation, Phần Lan; Đánh giá chất lượng giáo dục của một số trường mầm non tại Việt Nam và một số nước trên thế giới - TS. Hoàng Thục Nhi, Giảng viên trường ĐH Đông Phần Lan; Phương pháp Montessori và sự ứng dụng vào các hoạt động góc ở trường mầm non - ThS. Lại Thị Yến Ngọc, Trường ĐH Giáo dục; Vận dụng mô hình giáo dục qua trải nghiệm trong tổ chức các hoạt động ở trường mầm non - TS. Chu Thị Hồng Nhung, TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền Trường ĐH Giáo dục.

Các tin liên quan:

- ĐHGD: Sân khấu hóa trong giáo dục mầm non - Những vấn đề Lý luận

- ĐHGD: Sử dung công nghệ trong việc học ngôn ngữ sớm cho trẻ nhỏ - những kinh nghiệm từ Phần Lan

- Báo Giáo dục & thời đại: Chuyên gia "mổ xẻ" giáo dục sớm cho trẻ trong thời đại công nghệ

Hội thảo đã nhận được 80 tóm tắt báo cáo, sau phần phản biện sàng lọc, có 60 tác giả được chấp nhận và hoàn thành bài toàn văn. Sau quá trình phản biện vòng hai đã chấp nhận 40 bài báo trong đó có 7 bài tiếng Anh được đăng trong kỷ yếu tập trung vào 4 chủ đề chính:

Chủ đề 1: các nghiên cứu, công trình về thực trạng và phương pháp giáo dục sớm trong bối cảnh hiện nay. Nghiên cứu tập trung về phương pháp giáo dục sớm theo xu hướng mới như: hình thức sân khấu hóa giáo dục cho trẻ; sử dụng thang đo phát triển sớm ở trẻ từ 3-6 tuổi; xu hướng tiếp cận trong giáo dục trẻ giai đoạn sớm; các mô hình, kinh nghiệm giáo dục sớm. Các nghiên cứu đồng thời đề cập đến các hoạt động chăm sóc, giáo dục sớm từ góc nhìn thai giáo đến tìm hiểu các xu hương hướng tiếp cận, nghiên cứu, phân tích yếu tố ảnh hưởng chăm sóc hoạt động nuôi dưỡng trẻ từ 0-6 tuổi.

Chủ đề 2: các nghiên cứu mang tính ứng dụng, vận dụng vào thực tiễn giáo dục sớm. Các báo cáo tham luận, các chủ đề nghiên cứu được thể hiện đa dạng dưới các phương pháp giáo dục sớm đang được triển khai hiện nay. Đặc biệt là những thách thức, cơ hội trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong giáo dục sớm. Không chỉ đơn thuần vận dụng các hoạt động, lồng ghép, xử lí tình huống mà thông qua các nghiên cứu, giáo dục sớm còn cho thấy tính linh hoạt trong việc đánh giá vai trò, thành tựu trong giáo dục kĩ năng sớm, giáo dục thẩm mĩ và đánh giá sự phát triển của trẻ qua các công cụ trắc nghiệm được kiểm định.

Chủ đề 3: thách thức, cơ hội và giải pháp trong đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực giáo dục sớm thông qua các hình thức, phương pháp khác nhau nhằm đạt được những thành tựu nhất định. Nghiên cứu đồng thời đề cập đến những thách thức của giáo viên trong đáp ứng giáo dục hòa nhập và can thiệp sớm trẻ khuyết tật.

Chủ đề 4: chuyên đề giáo dục sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Các báo cáo, tham luận sẽ đề cập đến các vấn đề về hành vi và cảm xúc trẻ có rối loạn phổ tự kỉ. Đặc biệt, các nghiên cứu sẽ cho thấy bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực giáo dục sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt hiện nay, tập trung vào nhóm trẻ rối loạn phổ tự kỉ, mối quan hệ giữa quan điểm nuôi dạy con và can thiệp sớm trẻ tự kỉ. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đề cập đến trẻ có nhu cầu đặc biệt khác như tổ chức hoạt động tăng cường tiếng việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số.

 

UED Media

01:12 28/12/2020

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ