Trường Đại học Giáo dục quyết tâm: “Tận dụng bối cảnh - Đẩy mạnh chuyển đổi số”

Ngày 27/8/2021, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Viên chức, Người lao động và Tổng kết năm học 2020-2021. Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Phạm bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN; lãnh đạo Công đoàn ĐHQGHN; lãnh đạo các Ban chức năng; Lãnh đạo Viện Đảm bảo Chất lượng, lãnh đạo Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục. Về phía Trường Đại học Giáo dục có GS.TS. Nguyễn Quý Thanh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; các Phó Hiệu trưởng và 199 đại biểu là viên chức, người lao động trong toàn Trường Đại học Giáo dục và Trường THPT Khoa học Giáo dục – trực thuộc Trường.

Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh cho biết, năm học 2020-2021, có thể nói là “Hành trình vượt sóng” của Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Mặc dù nhiều chông gai, thử thách đối với thầy và trò của Trường Đại học Giáo dục nhưng thành tựu cũng đáng tự hào. Việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực hoạt động đã trở thành khâu then chốt góp phần giúp Trường ĐH Giáo dục đạt được những thành tựu nổi bật trong năm học này.

Video “Hành trình vượt sóng UEd 2020-2021” là hình ảnh con thuyền ĐH Giáo dục vượt sóng, vượt gió để hoàn thành sứ mệnh ở 8 hòn đảo tượng trưng cho kết quả ở các lĩnh vực: Tuyển sinh và Đào tạo; Đảm bảo chất lượng; Công tác cán bộ; Khoa học và hợp tác phát triển; Chuyển đổi số; Công tác học sinh sinh viên; Quản lý cơ sở vật chất và tài chính; Các Thành tích và thi đua khen thưởng.

Video “Hành trình vượt sóng" năm học 2020-2021 của Trường Đại học Giáo dục

Năm học 2020 – 2021, công tác tổ chức cán bộ được đẩy mạnh theo chiều sâu sau giai đoạn thực hiện tái cấu trúc và tinh gọn đội ngũ, với các nhiệm vụ trọng tâm là rà soát quy hoạch, bồi dưỡng, thu hút và phát triển năng lực đội ngũ đảm bảo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đào tạo, nghiên cứu khoa học giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2035. Với thế mạnh về nền tảng dạy - học, ứng dụng dạy - học trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh Covid -19 như hiện nay, Trường ĐH Giáo dục đã và đang viết tiếp thế mạnh của mình về đào tạo đội ngũ cán bộ mạnh về công nghệ, chuyên môn cũng như đội ngũ lao động trong lĩnh vực giáo dục có nền tảng công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với triết lý năng lực và phẩm chất đội ngũ là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng các hoạt động của nhà trường, bên cạnh hoạt động tuyển dụng đúng quy định đảm bảo chất lượng thì công tác rà soát, bồi dưỡng tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực chuyên môn được nhà trường tập trung.

Đội ngũ cán bộ vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ đã đào tạo được một mạng lưới sinh viên có khả năng xây dựng nền tảng công nghệ giáo dục và được thị trường lao động đánh giá cao.

Được chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, tập huấn áp dụng phương pháp dạy học kết hợp cho cán bộ, giảng viên và người học, về cơ bản trong năm học vừa qua công tác quản lý đào tạo được thực hiện theo đúng kế hoạch. Xây dựng mới 3 Đề án mở chương trình đào tạo thạc sĩ: Giáo dục Mầm non; Giáo dục Tiểu học; Quản trị Công nghệ giáo dục. Xây dựng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn mới, trong đó nổi bật là chương trình Nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, …

Trong công tác khoa học học nghệ, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ như: Có 03 đề tài trọng điểm cấp quốc gia đã được tổ chức nghiệm thu thành công, các kết quả của các đề tài nghiên cứu đều có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao trong ngành, cụ thể đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng giáo dục, đề xuất mô hình tự chủ trong giáo dục đại học, và quá trình phát triển chương trình giáo dục tiếp cận chuẩn quốc tế; Một số đề tài mới được nhận tài trợ gồm: 01 đề tài thuộc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia; 01 nhiệm vụ thuộc Sở Khoa học công nghệ Hà Nội; 01 nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp ĐHQGHN, 03 đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN; 01 đề tài thuộc Sở Khoa học công nghệ Quảng Ninh; 10 đề tài cấp cơ sở được cấp mới trong năm học này. Số lượng bài báo ISI/SCOPUS tăng và đạt 49 bài, trong đó các bài thuộc hệ thống Q1, Q2 là 29 bài, chiếm tỉ lệ 60%. Điều này chứng tỏ sự tiến bộ đáng ghi nhận của giảng viên trường ĐHGD trong nghiên cứu khoa học.

Nhà trường đã ban hành quy trình xây dựng nhóm nghiên cứu. Việc ban hành quy trình xây dựng nhóm nghiên cứu là nhằm phát huy năng lực nghiên cứu của cá nhân và tập thể nghiên cứu tại các Khoa, Bộ môn, Trung tâm trong Nhà trường và hợp tác ngoài trường để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, góp phần đào tạo nguồn nhân lực KHCN đạt trình độ cao, đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng chỉ số công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Trong năm học 2021-2022 tới đây, nhà trường tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm Phát triển các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục để cân bằng với các ngành đào tạo giáo viên, đồng thời phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực trong ĐHQGHN. Trước mắt, chủ trương mở ngành Kế toán giáo dục/Kiểm toán trường học theo mô hình (A+B) cùng cấp bằng với Trường ĐH Kinh tế; điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp với xu thế kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng Trường THPT Khoa học Giáo dục phù hợp với tình hình hiện tại và phương hướng phát triển trong thời gian tới cũng như kế hoạch thành lập Trường Phổ thông liên cấp; đầu tư phòng thực hành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học là các ngành mới của Trường; tiếp tục gia tăng chỉ số công bố, đặc biệt là công bố quốc tế đặt chỉ tiêu trung bình 1 bài/ 1 giảng viên trong đó có 80% là bài trong hệ thống ISI/ SCOPUS.

Tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh đã trình bày báo cáo phương hướng và kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022. Báo cáo xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu cơ bản năm học 2021-2022. Đồng thời, Hiệu trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch đề ra trong năm học mới.

7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2021 - 2022

Hội nghị cũng lắng nghe các báo cáo: Kế hoạch tài chính, Tổng kết phong trào thi đua và phương hướng năm học mới của Công đoàn, Kết quả hoạt động và phương hướng nhiệm kỳ 2021-2023 của Ban thanh tra nhân dân. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau lắng nghe tham luận của các đại biểu với 5 nhóm vấn đề chính: (1) Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo; (2) Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục dựa trên việc thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học dữ liệu; (3) Trường THPT Khoa học Giáo dục – kết nối toàn diện và chặt chẽ với Trường ĐH Giáo dục trong công tác phát triển đội ngũ cán bộ, đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo; (4) Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ cộng đồng của giảng viên trường đại học; (5) Giải pháp nâng cao năng lực đội ngữ giảng viên trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển Khoa học công nghệ Giáo dục. Các đại biểu tham dự đã thống nhất với các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 của Nhà trường.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn ghi nhận những thành tích đóng góp trên mọi lĩnh vực hoạt động của Trường trong năm học vừa qua. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn đánh giá cao công tác chuyển đổi số; phát triển chương trình đào tạo, công bố quốc tế; củng cố và hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo tiêu chí đại học nghiên cứu; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Giáo dục.

Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Phạm Bảo Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Giám đốc lưu ý thêm, trong thời gian tới nhà trường cần đẩy mạnh các tiềm lực khoa học công nghệ gắn với hợp tác phát triển sâu rộng  để đưa các sản phẩm khoa học giáo dục của nhà trường đến với cuộc sống, tăng vị thế là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giáo dục về khoa học dữ liệu, nhân rộng tài nguyên môi trường dạy - học trực tuyến.

Nhà trường cần thích ứng công tác chuyển đổi số trên tất cả các mảng công tác. Đồng thời xây dựng các Mô - đun xác nhận văn bằng tốt nghiệp, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để sử dụng và thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Đô thị đại học tại Hòa Lạc.

Trong thời gian sắp tới, nhà trường cần mở rộng quy mô đào tạo chương trình tài năng và chương trình đào tạo bậc Tiến sĩ, hoàn thiện mô hình đào tạo trực tuyến để phát triển hơn nữa và đảm bảo chất lượng dạy và học. Nhà trường nên phát huy thế mạnh đào tạo trực tuyến và cần phối hợp với các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN để triển khai nhân rộng các khóa tập huấn cho đội ngũ giảng viên trong và ngoài ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Giáo dục cần tiếp tục phát huy thế mạnh về chính sách tư vấn giáo dục, khóa tập huấn cho giáo viên ở các địa phương, kênh hỗ trợ giáo viên tiểu học, để thực hiện trách nhiệm quốc gia của Nhà trường nói riêng và ĐHQGHN nói chung.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cam kết sẽ thực hiện tốt kế hoạch của Nhà trường trong năm học tới, đảm bảo phù hợp với kế hoạch trọng tâm của ĐHQGHN.

Để ghi nhận những đóng góp và công lao của các tập thể và cá nhân vào thành tích chung nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng các cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, cấp Trường đã được trao tặng.

Hội nghị viên chức, người lao động và Tổng kết năm học 2020-2021 diễn ra thành công tốt đẹp, trong niềm vui, sự phấn khởi, hào hứng của toàn Trường, hướng tới một năm học mới 2021-2022 hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.  

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Các tham luận tại Hội nghị

Hội nghị đại biểu viên chức, người lao động và Tổng kết năm học 2020-2021 của Trường Đại học Giáo dục

UED media

04:08 27/08/2021

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ