Hội nghị đại biểu viên chức, người lao động và tổng kết năm học 2021-2022

Ngày 03/08/2022, Tại Trung tâm văn hoá Ulis - Jonathan KS choi, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị đại biểu viên chức, người lao động và tổng kết năm học 2021-2022 nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm học 2021-2022 và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.

Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Phạm Bảo Sơn dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự với Phó Giám đốc ĐHQGHN còn có Chủ tịch Công đoàn PGS.TS. Đinh Văn Hường; đại diện lãnh đạo các Ban Chức năng; Về phía Trường ĐH Giáo dục có Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh; các Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Phạm Văn Thuần, TS. Nguyễn Đức Huy, PGS.TS. Nguyễn Thị Hương; chủ tịch Công đoàn Trường TS. Trần Văn Tính cùng các đại biểu được bầu từ cấp cơ sở là đại diện cho các viên chức, người lao động thuộc các đơn vị trong toàn Trường.

Đoàn Chủ tịch gồm 3 đồng chí: Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Chủ tịch Công đoàn Trường TS. Trần Văn Tính và Phó Chủ nhiệm Khoa Sư phạm PGS.TS. Lê Hải Anh điều hành Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã theo dõi video báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 của Trường ĐH Giáo dục. Báo cáo chỉ rõ bối cảnh thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 với những thời cơ và thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức. Mặc dù vậy, Trường ĐH Giáo dục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 song Trường đã hoàn thành tốt công tác tuyển sinh THPT, ĐH, SĐH và thực hiện đúng tiến độ đào tạo chính quy và không chính quy; Thực hiện hiệu quả công tác phân ngành cho sinh viên GD1, GD2, GD3. Công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo theo Đề án đào tạo nâng cao trình độ chuẩn cho giáo viên (thực hiện Luật Giáo dục số 43/2019/QH14) được triển khai hiệu quả với 3 đợt tuyển sinh và hơn 2000 người học trúng tuyển, nhập học. Nhà trường tiếp tục duy trì và triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn: đào tạo nghiệp vụ sư phạm; bồi dưỡng cán bộ ngành giáo dục; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giảng viên, giáo viên các bậc học từ mầm non đến THPT với nhiều địa phương và trường đại học trên cả nước. Nhiều chương trình bồi dưỡng được xây dựng mới đã đưa vào tuyển sinh và thu hút được đông đảo giáo viên theo học. 

Về công tác học sinh, sinh viên: Trường đã thực hiện chế độ chính sách, học bổng đảm bảo đúng quy định; quản lý và khai thác có hiệu quả nhiều học bổng ngoài ngân sách. Năm học 2021-2022 Trường đã triển khai đến tất cả sinh viên sư phạm Nghị định 116 của Chính phủ về việc Hỗ trợ kinh phí đóng học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Hoạt động quáng bá tuyển sinh được triển khai hiệu quả theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó phải kể đến như việc tổ chức thành công các buổi Tọa đàm trực tuyến Hỗ trợ cho các Giáo viên và phụ huynh các bậc học. Nhà trường đã nỗ lực hỗ trợ sinh viên kịp thời trong giai đoạn dịch COVID-19 thông qua 5 đợt hỗ trợ với nhiều hình thức và nguồn lực, trong đó nguồn vận động chủ yếu đến từ cán bộ, giảng viên và đối tác.

Công tác đảm bảo chất lượng đánh dấu sự kiện Trường ĐH Giáo dục trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của cả nước đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2 theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, Nhà trường tiếp tục triển khai công tác tự đánh giá 03 chương trình đào tạo thạc sĩ: Đo lường và Đánh giá trong giáo dục; Thạc sĩ Quản lý Giáo dục; Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em & vị thành niên. Hiện nay Nhà trường đã hoàn thành công tác tự đánh giá và đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để đánh giá ngoài 03 chương trình đào tạo theo đúng kế hoạch. Trường THPT Khoa học giáo dục cũng trở thành Trường phổ thông đầu tiên của ĐHQGHN kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn KĐCL của Bộ GD&ĐT và là trường đạt chuẩn Quốc gia. 

Hoạt động khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành vượt trội so với kế hoạch như: nghiệm thu thành công 2 đề tài cấp nhà nước và 2 đề tài thuộc Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia. Có 3 đề tài khoa học trong điểm cấp ĐHQGHN được phê duyệt...Số lượng bài báo ISI/SCOPUS tăng và đạt là 56 bài, trong đó các bài thuộc hệ thống Q1, Q2 là 35 bài, chiếm tỉ lệ 63%. Nhà trường cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh cơ chế tài chính cho việc thực hiện đề tài nhằm khuyến khích hỗ trợ giảng viên định hướng nghiên cứu các đề tài dự án mang tính ứng dụng cao. Việc nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô của Hội thảo nghiên cứu khoa học của người học ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều đề tài khoa học của người học Nhà trường được kí hợp đồng tài trợ do người học đứng tên. Hoạt động hợp tác phát triển với nhiều dự án quốc tế mang tính hội nhập được kí kết.

Công tác Tổ chức Cán bộ sau giai đoạn tái cấu trúc tiếp tục được củng cố và phát triển. Trường tiếp dục duy trì là một trong những đơn vị có tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị cao trong nhiều năm gần đây: GS/PGS đạt 23%, TS đạt xấp xỉ 80%; công tác rà soát, bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn được nhà trường tập trung: 364 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng trong nước.

Trường đã hoàn thiện đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Giáo dục (QG-HN14) tại Hoà Lạc trình ĐHQGHN. ĐHQGHN đã trình Bộ Xây dựng để thẩm định và phê duyệt. Bên cạnh đó, Nhà trường đã tích cực phối hợp với các ban chức năng, các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN để chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng kế hoạch đưa sinh viên sư phạm khoá QH-2022-S học tập tại Hoà Lạc trong năm học đầu tiên. 

Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Phạm Văn Thuần trình bày báo cáo phương hướng nhiệm vụ trong năm học mới 2022-2023 với các nhiệm vụ trong tâm được đặt ra: (1) Duy trì số lượng và đảm bảo chất lượng tuyển sinh trung học phổ thông, đại học, sau đại học. Điều chỉnh quy mô đào tạo các ngành sư phạm và các ngành ngoài sư phạm theo tỷ lệ 50/50; (2) Từng bước chuyển các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học lên Hoà Lạc; (3) Phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên thông, mở và linh hoạt; (4) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, giáo viên theo chuẩn, môn tích hợp, đặc biệt là nâng chuẩn đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và THCS theo Luật Giáo dục 2019 và theo Chương trình GDPT 2018; (5) Đánh giá ngoài 03 chương trình đào tạo Thạc sĩ theo Bộ tiêu chuẩn KĐCL của Bộ GD&ĐT; (6) Xây dựng và đầu tư cho ít nhất 3 nhóm nghiên cứu mạnh. Xây dựng các chương trình nghiên cứu, tham gia đề tài NCKH các cấp và gia tăng chỉ số công bố, đặc biệt là công bố quốc tế với 80% bài đăng trong hệ thống ISI/ SCOPUS, tổ chức Diễn đàn Hà Nội lần thứ hai về Khoa học giáo dục và Sư phạm; (7) Tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế và trong nước, ưu tiên triển khai các hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế và các địa phương theo các văn bản ký kết hợp tác của ĐHQGHN và của Nhà trường. (8) Tạo động lực học tập cho người học thông qua việc thực hiện tốt chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là các học bổng khuyến khích học tập trong và ngoài ngân sách hỗ trợ người học. Tiếp tục phối hợp và đề nghị các cấp có thẩm quyềnđể thực hiện chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên theo NĐ 116; (8) Đa dạng nguồn thu bổ sung (phấn đấu đảm bảo thu sự nghiệp chiếm 60% tổng thu) và đảm bảo thu nhập ổn định cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường. Ban hành chính sách hỗ trợ giảng viên, chuyên viên làm việc tại khu vực Hoà Lạc. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng và bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ theo các yêu cầu thực hiện các chương trình đào tạo mới; (10) Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Giáo dục tại Hoà Lạc (Hoàn thành quy hoạch 1/500 tại Hòa lạc); Xây dựng, được phê duyệt dự án tiền khả thi trường THPT Khoa học giáo dục tại Hoà Lạc. Từng bước ổn định CSVC của trường THPT Khoa học giáo dục.

Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Phạm Bảo Sơn dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá, Trường ĐH Giáo dục đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm một cách toàn diện trên các phương diện công tác, đặc biệt là sự tăng trưởng vượt bậc của các công trình khoa học được công bố quốc tế, nhiều sản phẩm khoa học & công nghệ đa dạng.

Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị, trong thời gian tới, Nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động kết nối, hợp tác với doanh nghiệp, địa phương để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Đồng thời, Nhà trường cần tăng cường việc kết nối với các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN nhằm phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm khoa học công nghệ khác bên cạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Cùng với đó, Phó Giám đốc cũng đưa ra một số gợi ý cho Trường ĐH Giáo dục tận dụng mạng lưới đối tác là các trường phổ thông triển khai các hoạt động đào tạo STEAM cho học sinh phổ thông tại Hòa Lạc, từ đó tạo cơ hội gia tăng nguồn lực và vị thế của Nhà trường. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn yêu cầu Nhà trường tiến hành khảo sát, xây dựng đề xuất triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao dành cho học sinh dân tộc thiểu số.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn đặc biệt lưu ý Nhà trường khẩn trương xây dựng kế hoạch đưa sinh viên năm thứ nhất khối ngành sư phạm tới học tập tại Hòa Lạc. Đồng thời, Trường cũng cần lên phương án triển khai các hoạt động về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại Hòa Lạc.

Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục GS.TS. Nguyễn Quý Thanh phát biểu

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục GS.TS. Nguyễn Quý Thanh trân trọng cảm ơn những ghi nhận, lãnh đạo và chỉ đạo của Ban Giám đốc, lãnh đạo các Ban chức năng ĐHQGHN đối với những thành tựu của Trường trong năm học 2021-2022. 

Hiệu trưởng bày tỏ quyết tâm, trên cơ sở dự thảo đề xuất phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới và ý kiến chỉ đạo của Phó Giám đốc ĐHQGHN, Trường ĐH Giáo dục sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Hiệu trưởng nhấn mạnh, HÒA LẠC sẽ tiếp tục trở thành khẩu hiệu hành động vì sự phát cả về chất lượng và quy mô của Trường ĐH Giáo dục. 

Tại hội nghị, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết của Trường đã được các đại biểu bàn thảo.

Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Ths. Đặng Thành Dũng trình bày báo cáo công khai tài chính năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022

Chủ tịch Công đoàn Trường TS. Trần Văn Tính trình bày báo cáo tổng kết hoạt động Công đoàn Trường ĐH Giáo dục năm học 2021-2022 và phát động phong trào thi đua năm học 2022-2023

Trưởng Ban Thanh tra nhân dân TS. Hoàng Gia Trang báo cáo kết quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân năm học 2021-2022 và phương hướng hoạt động của năm học 2022-2023.

Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục PGS.TS. Trần Thành Nam trình bày tham luận về Hướng ngành và phát triển chuyên ngành mới trong Khoa học giáo dục

Ths. Nguyễn Tiến Dũng, gíao viên Trường THPT Khoa học Giáo dục trình bày tham luận về những khó khăn và thách thức đối với Trường THPT Khoa học Giáo dục trong việc xây dựng tổ hợp môn học và chươg trình giáo dục trong năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối THPT

Trong năm học 2021-2022, nhiều tập thể và cá nhân của Trường đã cống hiến, góp phần và sự phát triển của Trường ĐH Giáo dục. Để ghi nhận những nỗ lực đó, Các cấp Bộ GD&ĐT, cấp ĐHQGHN, Trường ĐH Giáo dục đã trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân

Đại biểu viên chức, Người lao động và Tổng kết năm học 2021 – 2022 của Trường Đại học Giáo dục đã thành công tốt đẹp. 100% các đại biểu tham dự Hội nghị biểu quyết nhất trí thông qua với dự thảo Nghị quyết Hội nghị trong đó có các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm học 2022-2023. Hi vọng, với kết quả mà Hội nghị đã đạt được sẽ là tiền đề cho toàn thể viên chức và người lao động của Trường Đại học Giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm học mới 2022 – 2023. 

UEd Media

04:08 03/08/2022

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ