ĐHGD: Gia tăng công bố quốc tế thông qua đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên

Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đang trở thành điều kiện lý tưởng trong việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đây cũng là nơi có những công bố phát minh khoa học có giá trị và sáng tạo ra các quy trình công nghệ, các sản phẩm có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn.

Nhờ tăng cường chức năng nghiên cứu, các trường đại học ở các nước phát triển đang tạo ra những ưu thế mạnh về phát triển trình độ đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh, tăng nguồn thu tài chính cho đơn vị.

Trường Đại học Giáo dục trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với sứ mạng là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục. Nhà trường phấn đấu đến năm 2035 trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu nằm trong tốp đầu của Việt nam về khoa học và công nghệ giáo dục, một số ngành đạt trình độ tiên tiến của châu Á.

Để nhanh chóng hiện thực mục tiêu đề ra, Trường Đại học Giáo dục đã và đang không ngừng thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên.

Hàng năm, Trường tiến hành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo mới, các nhiệm vụ đặt hàng về khoa học giáo dục, các nhiệm vụ chính sách của Bộ GD &ĐT, đề án đổi mới hoạt động giảng dạy; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo và tự đào tạo mới dựa trên những đề xuất đặc thù của giảng viên, của Khoa.

Đến nay, 100% các giảng viên dưới 45 tuổi được tham gia các khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.

Hình ảnh Khóa tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên diễn ra ngày 8/9/2021

Chỉ tính riêng năm 2021 đã có hơn 150 lượt giảng viên tham gia các lớp  tập huấn nội bộ do Trường Đại học Giáo dục tổ chức với các chuyên đề: “Sử dụng hệ thống LMS Moodle và phần mềm giảng dạy trực tuyến cho giảng viên mới”; “Tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và hướng dẫn khoa học cho giảng viên mới và giảng viên trẻ”; “Tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu cho giảng viên”.

Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, Nhà trường có chính sách khen thưởng đối với các đề tài công bố quốc tế đăng trên các tạp chí có chỉ số ISI/SCOPUS, ưu tiên thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh; Trường ĐH Giáo dục còn tạo điều kiện giúp đỡ giảng viên trẻ tham gia vào các đề tài, nhóm nghiên cứu có kinh nghiệm.

Những kết quả ấn tượng ban đầu cho thấy, số lượng các bài báo công bố quốc tế đặc biệt là trên hệ thống ISI/SCOPUS gia tăng. Từ 22, 17, 25, 33 bài trong lần lượt các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và gia tăng mạnh mẽ lên 47 bài trong năm 2021.

Các nghiên cứu ứng dụng cũng được triển khai với các sáng chế và các giải pháp hữu ích được công nhận. Trong đó có những sản phẩm mang tính ứng dụng cao như Ứng dụng Trợ giáo ảo của nhóm PGS.TS. Phạm Kim Chung, Hệ thống Tâm trắc học sinh phục vụ sàng lọc tâm lý và hướng nghiệp của PGS.TS.Trần Thành Nam, Hệ thống đánh giá thích ứng phục vụ học tập cá nhân hóa của nhóm TS. Lê Thái Hưng.

Những nỗ lực của tập thể lãnh đạo và giảng viên trong việc đào tạo và tự đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học đã và đang khẳng định hướng đi đúng đắn thông qua các công bố quốc tế trên các tạp chí nghiên cứu khoa học thuộc hệ thống ISI/SCOPUS và các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao.

Ngày 11/9/2021, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN tổ chức Khai giảng Khóa tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên năm 2021. Đối tượng tham gia đào tạo là bắt buộc đối với các giảng viên đang công tác tại Trường có độ tuổi từ 50 trở xuống và chưa có các công bố ISI/SCOPUS trong 3 năm gần đây. Hoặc các giảng viên có nhu cầu tự nguyện đăng ký tham dự.

Khóa tập huấn do các chuyên gia giáo dục hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học giáo dục và công bố quốc tế về khoa học giáo dục như: GS.TS. Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục; TS. Phạm Hùng Hiệp – Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Aisa; TS. Nguyễn Hữu Cương – giảng viên Trường Đại học Văn Lang; TS. Dương Bích Hằng – Trường Đại học Minnesota, Hoa Kỳ.

Thời lượng khóa tập huấn diễn ra trong 15 tuần liên tục kể từ 8/12/2021 đến 25/3/2022 với các nội dung: (1) Xác định vấn đề nghiên cứu trong khoa học giáo dục; (2) Sử dụng SPSS, AMOS để phân tích bảng hỏi bằng phương pháp SEM; (3) Viết và công bố bài báo khoa học trong tạp chí quốc tế; (4) Phương pháp định tính trong nghiên cứu giáo dục.

Một số hình ảnh tại buổi Khai mạc Khóa tập huấn:

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh phát biểu khai mạc và Tập huấn nội dung xác định vấn đề nghiên cứu trong khoa học giáo dục

 

Chia sẻ của giảng viên về Khóa Tập huấn:

10:12 09/12/2021

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ