ĐHQGHN: Năng động - Sáng tạo - Đột phá, quyết tâm hoàn thành tốt mục tiêu, các nhiệm vụ quan trọng năm 2015

Tới dự hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, thành phố Hà Nội, ĐHQG Tp.HCM, các đơn vị liên kết, hợp tác với ĐHQGHN và đông đảo cán bộ công chức, viên chức đang công tác tại ĐHQGHN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã nêu: “Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, những mặt còn hạn chế của năm 2014, dựa vào kết quả tổng kết, tập hợp nội dung từ các hội nghị chuyên ngành, hội nghị này tiếp tục thảo luận, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2015”.

Tại hội nghị, thừa uỷ quyền của Giám đốc ĐHQGHN, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ĐHQGHN. Trong đó, Phó Giám đốc đã điểm lại 5 sự kiện và 10 thành tựu tiêu biểu của ĐHQGHN trong năm 2014.

Theo đó, trong năm vừa qua, ĐHQGHN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế. Nhiều tập thể và cá nhân được vinh danh – với 5 Nhà giáo nhân dân và 14 Nhà giáo ưu tú; Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. 

ĐHQGHN đã tiên phong trong đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực trong tuyển sinh ĐH như một trong các giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trong nghiên cứu khoa học, các công trình nghiên cứu cơ bản được công bố trên các tạp chí quốc tế (ISI, Scopus) năm 2014 tăng vượt bậc so với kế hoạch đề ra. Chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước với đề tài “Phát triển bền vững vùng Tây Bắc” do ĐHQGHN chủ trì, đã triển khai bước đầu xây dựng được khung hệ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và đang nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các nhà khoa học và các địa phương. Hiện nay, ĐHQGHN có khoảng hơn 50 nhóm nghiên cứu, trong đó có 16 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Đây là cơ sở triển khai các nghiên cứu trọng điểm và hình thành các trường phái khoa học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.

Trong năm 2014, ĐHQGHN vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khai giảng năm học; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, TP. Hà Nội và các đối tác Nhật Bản đã dự và phát lệnh động thổ xây dựng Trường Đại học Việt Nhật; ĐHQGHN tiếp tục là điểm đến của nhiều chính khách quốc tế như Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergey Yevgenyevich Naryshkin, Quốc vụ khanh Ai-len Kathleen Lynch; Chủ tịch Thường trực Thượng viện, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy. Hàng loạt văn bản hợp tác với các trường ĐH hàng đầu của Liên Bang Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản được ký kết; các nhà khoa học của ĐHQGHN được tặng bằng tiến sĩ danh dự và huân chương, bằng khen quốc tế đã khẳng định vị thế quốc tế của ĐHQGHN.

ĐHQGHN thuộc nhóm 161-170 trường đại học hàng đầu châu Á năm 2014 trong bảng xếp hạng QS, tăng 40 bậc so với năm 2013, đứng đầu Việt Nam (tiếp theo là ĐHQG TpHCM thuộc nhóm 191-200, trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300); ba lĩnh vực của ĐHQGHN thuộc nhóm 100 châu Á (khoa học tự nhiên: 59, kỹ thuật - công nghệ: 59 và khoa học xã hội – quản lý: 87), khẳng định uy tín học thuật tầm châu lục.

Song song với đó, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được thực hiện như: Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực và mô hình ĐH định hướng nghiên cứu; Phát triển đội ngũ cán bộ theo tiếp cận quản trị nhân lực đại học tiên tiến; Hợp tác phát triển tăng cường vị thế và các nguồn lực; Cải thiện cơ sở vật chất tại khu vực nội thành và đưa vào sự dụng một số hạng mục tại Hoà Lạc; Hiện đại hóa rõ rệt công tác hành chính và quản lý; Có sự đột phá trong kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế…

Hội nghị đã nhận được ý kiến tán thành các nội dung của báo cáo tổng kết năm 2014 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2015. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Khánh đề xuất các chính sách để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao của ĐHQGHN. Đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hơn để sớm có giải pháp hoàn thành việc xây dựng cơ sở của ĐHQGHN ở Hoà Lạc. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Nguyễn Văn Nội đề xuất Nhà nước cần giành một nguồn kinh phí tương ứng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học cơ bản theo đơn đặt hàng của Nhà nước, Chính phủ. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, ĐHQGHN cần xây dựng một cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, các kết quả của hoạt động nghiên cứu cần phải được chắt lọc để hướng tới các sự kiện lớn trong năm 2015….

Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đánh giá, sau chặng đường 20 năm hoạt động, năm 2014 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới có tính đột phá của ĐHQGHN. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời của các Bộ ngành Trung ương và địa phương; sự hợp tác hiệu quả của các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước, ĐHQGHN đã triển khai có hiệu quả Nghị định mới của Chính phủ về ĐHQG; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm 2014 và phấn đấu về đích trước thời hạn một số chỉ tiêu của kế hoạch 2011-2015.

Nhằm thực hiện sáng tạo, có hiệu quả các mục tiêu chung của ĐHQGHN năm 2015 là đạt được các mục tiêu trung hạn của Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020 và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ IV, Giám đốc ĐHQGHN yêu cầu: Trong năm 2015, ĐHQGHN cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt là 3 nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, Phát triển các sản phẩm KHCN và Hội nhập quốc tế; quyết tâm giải quyết 2 khâu có tính đột phá là Đảm bảo cơ sở vật chất tại Hòa Lạc và Phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao mà khởi đầu từ năm 2015 và sẽ là trọng tâm của nhiều năm tiếp theo nữa. Theo đó, chúng ta cần:

Thứ nhất, tiếp tục tiên phong đổi mới công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo. Kiểm định chất lượng và vấn đề đầu ra của người học là một nhiệm vụ rất cấp bách trong tình hình hiện nay, vì thế chúng ta cần tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn AUN và chuẩn ĐHQG, cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng sau kiểm định.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và thúc đẩy công bố quốc tế trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật – công nghệ và khoa học xã hội – nhân văn; chương trình KHCN Tây Bắc phải triển khai thật hiệu quả, thiết thực góp phần đẩy mạnh phát triển khoa học thông qua các chuỗi kết nối giữa nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng thực tiễn tới địa phương và doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm và cũng là cơ hội rất lớn để ĐHQGHN nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển một số lĩnh vực khoa học mà ĐHQGHN có thế mạnh đạt trình độ khu vực, quốc tế.

Thứ ba, đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua việc nâng cao mức độ quốc tế hoá các chương trình đào tạo đặc thù và có thế mạnh của ĐHQGHN, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, tăng cường kết nối hoạt động KH&CN quốc tế, gia tăng công bố quốc tế. Bằng những chương trình, giải pháp cụ thể, ĐHQGHN cần thể hiện vai trò, vị thế của mình để các sản phẩm đào tạo, KHCN thông qua giao lưu văn hoá, ngoại giao văn hoá, ngoại giao giáo dục góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu, rộng khu vực và quốc tế. Muốn làm được việc đó phải có điều kiện, chúng ta phải có những mô hình phương thức hết sức linh hoạt, chủ động từng bước làm chủ đầu tư để khởi động và giải phóng nguồn nhân lực.

Thứ tư, triển khai mạnh để phát triển cơ sở vật chất tại khu vực Hoà Lạc thông qua các dự án, đề án có tính khả thi hiệu quả. ĐHQGHN đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thành phần của Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Thứ năm, chú trọng phát triển đội ngũ nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành và đội ngũ cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến. ĐHQGHN phải huy động các nguồn lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện các công việc có hiệu quả để tăng lĩnh vực có tiềm năng, có vai trò phát triển.

Như vậy, thời gian tới, việc đầu tư trong các lĩnh vực sẽ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Tuy nhiên, tất cả các đơn vị đều nhận được môi trường bình đẳng và hỗ trợ tối đa với điều kiện là phải có sản phẩm đầu ra, tính khả thi cao, kết nối được với doanh nghiệp, địa phương để tiếp tục bổ sung thêm nguồn lực.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm PGS.TS Lê Quân giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHQGHN. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã trao cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) về thành tích tiêu biểu xuất sắc; Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã trao bằng khen cho 7 đơn vị đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã trao giải thưởng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tiêu biểu ĐHQGHN năm 2014 các tác giả của 6 công trình, cụm công trình. 

 

Một số hình ảnh của Hội nghị

Báo Giáo dục và Thời đại: ĐHQGHN - Dấu ấn năm 2014

- Vietnamplus: ĐHQGHN đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực

- Thời báo Tài chính: Nhiều thành tựu từ đề án tuyển sinh mới

                                                                                           PV - VNU Media

12:02 02/02/2015

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ