Trải nghiệm sáng tạo - Hoạt động quan trọng trong Chương trình GD phổ thông mới

Trong Chương trình mới có 2 loại hoạt động giáo dục chính là: Dạy học các môn và trải nghiệm sáng tạo. Trong chương trình hiện hành không có thuật ngữ trải nghiệm sáng tạo. Để rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) về vấn đề này.

Thưa PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, thực hành, ngoại khoá đã được thực hiện trong chương trình hiện hành và cũng có nhiều tác dụng hỗ trợ tích cực để các em được phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất. Vậy trong chương trình mới, các hoạt động đó có còn không và có thể so sánh các hoạt động đó với trải nghiệm sáng tạo?

                

"Như vậy làm, thực hành, trải nghiệm đều là những phương thức học hiệu quả, gắn với vận động, với thao tác vật chất, với đời sống thực. Việc học thông qua làm, học đi đôi với hành và học từ trải nghiệm đều giúp người học đạt được tri thức và kinh nghiệm nhưng theo các hướng tiếp cận không hoàn toàn như nhau, trong đó trải nghiệm có ý nghĩa giáo dục cao nhất và có phần bao hàm cả làm và thực hành."

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa

- Các hoạt động đó (gọi chung là hoạt động ngoài giờ lên lớp) mà hiện nay chúng ta đang tiến hành trong trường phổ thông chủ yếu được tổ chức dựa trên các chủ đề đã được quy định trong chương trình với các hình thức còn chưa phong phú và học sinh thường được chỉ định, phân công tham gia một cách bị động. 

Giáo viên tổ chức hoạt động cho học sinh nhưng không rõ hoạt động đó sẽ hướng tới hình thành những năng lực gì của các em. Điều đó không phù hợp với một chương trình định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, cần phải thay đổi.

Trong Chương trình mới, các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ dạy học trên lớp sẽ phong phú hơn cả về nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động, đặc biệt, mỗi hoạt động phải phù hợp với mục tiêu phát triển những phẩm chất, năng lực (sau đây gọi chung là năng lực, hiểu theo nghĩa rộng của từ này) nhất định của học sinh; nghĩa là học sinh được học từ trải nghiệm. 

Học từ trải nghiệm (hoạt động trải nghiệm) gần giống với học thông qua làm, qua thực hành nhưng học qua làm là nhấn mạnh về thao tác kỹ thuật còn học qua trải nghiệm giúp người học không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác; học qua làm chú ý đến những quy trình, động tác, kết quả chung cho mọi người học nhưng học qua trải nghiệm chú ý gắn với kinh nghiệm và cảm xúc cá nhân. 

Thí dụ: Chủ đề học tập là thế giới động vật, thay vì học nó thông qua sách vở, học sinh được trải nghiệm thông qua quan sát và tương tác, chăm sóc các con vật...; kết quả đạt được không chỉ là sự hiểu biết (chung) về loài thú mà còn phát triển tình yêu (riêng của mỗi người) đối với thiên nhiên và muông thú. Ngoài ra, nhiều sự hiểu biết và năng lực của con người chỉ có được từ trải nghiệm của riêng mình. 

Thí dụ, thật khó dạy hoặc khó có thể mô tả cho người khác về mùi hoa hồng là mùi như thế nào, thay vì nghe, người học được ngửi, được trải nghiệm với mùi hoa, người học sẽ có kinh nghiệm phân biệt về mùi hoa hồng với các mùi khác; để có được khả năng hát hay, vẽ đẹp, sự tinh tế trong giao tiếp... thì không thể thiếu được sự trải nghiệm của mỗi cá nhân.

Phải chăng, trong Chương trình mới, hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ được gọi là hoạt động trải nghiệm sáng tạo? Và có thể hiểu như thế nào về khái niệm này? Tại sao lại phải có tên gọi mới?

- Có nhiều cách gọi khác nhau về hoạt động trải nghiệm sáng tạo (TNST). Phù hợp với mục tiêu của Chương trình mới, chúng tôi đề xuất một định nghĩa như sau: Hoạt động TNST là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau của đời sống nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.

Khái niệm này khẳng định vai trò định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn của nhà giáo dục; thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, người phụ trách... Nhà giáo dục không tổ chức, không phân công học sinh một cách trực tiếp mà chỉ hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát cho tập thể hoặc cá nhân học sinh tham gia trực tiếp hoặc ở vai trò tổ chức hoạt động, giúp học sinh chủ động, tích cực trong các hoạt động; phạm vi các chủ đề hay nội dung hoạt động và kết quả đầu ra là năng lực thực tiễn, phẩm chất và năng lực sáng tạo đa dạng, khác nhau của các em.

Có thể kể ra một số hình thức hoạt động TNST: Hình thức có tính khám phá (thực địa, thực tế, tham quan, cắm trại); hình thức có tính triển khai (dự án và nghiên cứu khoa học, hội thảo, câu lạc bộ); hình thức có tính trình diễn (diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa); hình thức có tính cống hiến, tuân thủ (thực hành lao động việc nhà, việc trường, hoạt động xã hội - tình nguyện).

Ở một số nước, hoạt động TNST vẫn được gọi là hoạt động ngoài giờ lên lớp, thực hiện mục tiêu chủ yếu là phát triển phẩm chất, so với mục tiêu chủ yếu của dạy học trên lớp là phát triển trí tuệ. 

Việc gọi tên khác cho hoạt động ngoài giờ lên lớp ở Chương trình GD mới, không chỉ là vì nội hàm triết lý đã thay đổi, mà còn vì chúng ta muốn nhấn mạnh đến sự thay đổi nhận thức, ý thức về cái mới của hoạt động này, tránh sự hiểu nhầm rằng ngoài giờ thì không quan trọng, không có vị trí xứng đáng; hoặc là đơn giản hóa nội dung, mục đích của hoạt động này, không chỉ “trăm hay không bằng tay quen”… Trong tên gọi mới, “trải nghiệm” là phương thức giáo dục và “sáng tạo” là mục tiêu giáo dục, phải được làm rõ.

Xin PGS nói rõ hơn về kết quả đầu ra của hoạt động TNST? Hay nói cách khác là hoạt động TNST sẽ giúp các em hình thành nên những năng lực cần thiết nào?

- Hoạt động TNST hướng đến những phẩm chất và năng lực chung như đã được đưa ra trong Dự thảo Chương trình mới, ngoài ra hoạt động TNST còn có ưu thế trong việc thúc đẩy hình thành ở người học các năng lực đặc thù sau:

- Năng lực hoạt động và tổ chức hoạt động;

- Năng lực tổ chức và quản lý cuộc sống;

- Năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản thân;

- Năng lực định hướng nghề nghiệp;

- Năng lực khám phá và sáng tạo;

Chính vì vậy đầu ra của hoạt động TNST khá đa dạng và khó xác định mức độ chung, nhất là khi nó lại luôn gắn với cảm xúc – lĩnh vực mang tính chủ quan cao, cũng là cơ sở quan trọng của sự hình thành sáng tạo và phân hóa.

Với kết quả đầu ra khá đa dạng và khó xác định mức độ chung như vậy thì làm thế nào để có thể đánh giá kết quả hoạt động TNST, thưa PGS?

- Có nhiều cách đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Điều quan trọng nhất của các phương pháp này là cần quan sát, nhận xét, góp ý để đánh giá ngay trong quá trình hoạt động thực tiễn, dựa trên các biểu hiện cụ thể về phương thức và kết quả hoạt động của học sinh. 

Thí dụ: Đặt học sinh trước tình huống có vấn đề cần giải quyết, quan sát cách thức và kết quả giải quyết tình huống của học sinh sẽ đánh giá được năng lực giải quyết vấn đề và nhiều năng lực khác. Hồ sơ sản phẩm của một nghiên cứu khoa học hay của một chuyến tham quan thực địa cũng là minh chứng thuyết phục để đánh giá nhiều năng lực khác nhau của học sinh. 

Nhìn chung, đánh giá năng lực đầu ra của hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần sử dụng nhiều hình thức đánh giá, nhiều bộ công cụ đánh giá, coi trọng nhận xét quá trình tiến bộ về nhiều mặt khác nhau của học sinh.

Tóm lại, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giữ vai trò rất quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoạt động này giúp cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn từ đó hình thành năng lực thực tiễn cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân.

Vâng, tuy nhiên, để thực hiện được thì không hề đơn giản, thưa PGS?

- Theo tôi nghĩ, chúng ta nên xác định mục tiêu vừa phải, khả thi nhưng tiến bộ, tiếp cận được với mặt bằng chung của thế giới. Và điều quan trọng là phải phù hợp với điều kiện của chúng ta, với từng vùng miền, địa phương. 

Trường ĐHGD tham gia tập huấn hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong hè 2015 tại trường THPT Nguyễn Siêu - TP Hà Nội

Trong các hình thức tổ chức hoạt động TNST thì có một số là bắt buộc, số còn lại là tùy chọn. Chẳng hạn, nhóm định hướng nghề và khám phá sáng tạo có thể là tùy chọn, còn các nhóm hoạt động về trách nhiệm xã hội, về phát triển bản thân có thể là bắt buộc. Với nhóm tùy chọn thì chúng ta có thể tổ chức theo hình thức CLB. Nội dung chương trình phải hết sức mở, miễn là đáp ứng được mục tiêu. 

Như vậy, thời lượng và nhóm hoạt động bắt buộc hay tự chọn thì có thể theo quy định chung, còn nội dung hoạt động cụ thể như thế nào thì tùy địa phương, nhà trường lựa chọn cho phù hợp.

Ngoài những hoạt động TNST được thiết kế thành hoạt động riêng như trên, trong từng môn học cũng cần coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động TNST phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học. Cũng phải lưu ý đến các điều kiện để thực hiện chương trình hoạt động TNST, ví dụ tăng biên chế giáo viên, hỗ trợ giáo viên về tài liệu, tổ chức tập huấn hoặc đào tạo cấp chứng chỉ về tổ chức hoạt động TNST…

Xin trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trao đổi này!

“Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giữ vai trò rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoạt động này giúp cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn từ đó hình thành năng lực thực tiễn cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân”.

 

Theo Nguyễn Thị Trâm

Báo Giáo dục và Thời đại

12:08 19/08/2015

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ