Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Cơ sở để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Cùng với việc quy định cụ thể đối với từng cấp học và trình độ đào tạo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng các quy định cụ thể hóa Khung cơ cấu hệ thống GD quốc dân đối với GD mầm non, GD phổ thông và GD ĐH theo các quy định tại Quyết định này.


(Ảnh minh họa)


Các cấp học của khung cơ cấu hệ thống GD quốc dân

Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống GD quốc dân bao gồm: GD mầm non gồm GD nhà trẻ và GD mẫu giáo; GD phổ thông gồm GD tiểu học, GD THCS và GD THPT; GD nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và CĐ; GD ĐH đào tạo các trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Khung cơ cấu hệ thống GD quốc dân là cơ sở để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Quyết định nêu rõ tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp theo của các cấp học và trình độ đào tạo.

GD mầm non gồm GD nhà trẻ và GD mẫu giáo. GD nhà trẻ được thực hiện đối với trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi; GD mẫu giáo được thực hiện đối với trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi.

GD phổ thông gồm GD tiểu học, GD THCS (giai đoạn GD cơ bản) và GD THPT (giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp).

GD tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến hết lớp 5. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình GD tiểu học sẽ học tiếp lên THCS. GD THCS tiếp nhận học sinh đã hoàn thành chương trình GD tiểu học.

GD THCS được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình GD THCS có thể học tiếp lên THPT hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.

GD THPT tiếp nhận học sinh đã hoàn thành chương trình GD THCS. Trong thời gian học THPT, học sinh có thể chuyển sang học chương trình đào tạo trình độ trung cấp nếu có nguyện vọng và đáp ứng được yêu cầu của chương trình. GD THPT được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể học lên ĐH hoặc theo học các chương trình GD nghề nghiệp.

(Ảnh minh họa)

Bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu các chương trình đào tạo

Về GD ĐH, GD trình độ ĐH và GD trình độ thạc sĩ có 2 định hướng: Nghiên cứu và ứng dụng; GD trình độ tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu.

Các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu có mục tiêu và nội dung theo hướng chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học, phát triển các công nghệ nguồn làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ.

Các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng có mục tiêu và nội dung theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người. Các chương trình đào tạo phải bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Các chương trình đào tạo trình độ ĐH tiếp nhận người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT (chương trình đào tạo ĐH có thời gian tương đương 3 đến 5 năm học tập trung); người đã tốt nghiệp trình độ CĐ.

Các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ ĐH. Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ tương đương 1 đến 2 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo. Người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có thể học tiếp lên tiến sĩ trong hướng chuyên môn phù hợp hoặc được nhận vào học các hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.

Các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ hoặc người tốt nghiệp trình độ ĐH nếu đáp ứng được các yêu cầu của chương trình đào tạo. Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ tương đương 3 đến 4 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo và trình độ đầu vào của người học.

Hình thức GD thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho mọi người, ở các lứa tuổi và trình độ khác nhau có thể học tập, nâng cao kiến thức, phát triển năng lực chuyên môn, tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi ngành, nghề phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, xây dựng xã hội học tập. Người học có thể chuyển đổi từ GD thường xuyên sang các phương thức khác nếu có nhu cầu, có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu của chương trình.

GD nghề nghiệp bao gồm các chương trình đào tạo trình độ trung cấp tiếp nhận người tốt nghiệp tối thiểu THCS; các chương trình đào tạo trình độ CĐ tiếp nhận người tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trình độ trung cấp; cùng với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ CĐ, đào tạo trình độ sơ cấp nhằm giúp người học có kỹ năng thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề.


Theo Báo Giáo dục và Thời Đại

12:11 09/11/2016

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ