Dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực

Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu về giáo dục đang công tác tại đại học Postdam, Cộng hòa liên bang Đức cũng như một chuyên gia cố vấn cho các chương trình đổi mới của Bộ giáo dục và Đào tạo, TS. Nguyễn Văn Cường đã có phần trình bày, chia sẻ về “Một số kinh nghiệm giáo dục từ CHLB Đức”.

Nội dung buổi Seminar tập trung vào 4 vấn đề chính: Cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông Đức; Đào tạo giáo viên ở CHLB Đức; Cơ sở lí thuyết của phát triển chương trình định hướng năng lực; Chương trình dạy học mới của Berlin-Brandenburg, CHLB Đức.

Cộng hòa liên bang Đức được biết tới là một quốc gia có nền giáo dục phân hóa sớm. Ngay sau bậc học tiểu học đã có sự phân hóa các luồng học sinh với các mô hình nhà trường khác nhau để tương ứng với các định hướng nghề và khả năng của học sinh. Bởi thế, đây được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng đem lại thành công cho Cộng hòa liên bang Đức trong lĩnh vực đào tạo nghề.

TS Nguyễn Văn Cường chia sẻ tại buổi sinh hoạt của Khoa Sư phạm

Chia sẻ về mô hình đào tạo giáo viên của CHLB Đức nói chung và tại Đại học Postdam nói riêng, TS. Nguyễn Văn Cường cho biết chương trình được thiết kế theo mô hình kế tiếp. Đây là mô hình đã và đang được sử dụng trong đào tạo giáo viên tại trường Đại học Giáo dục. Tuy nhiên, đào tạo giáo viên tại Đức yêu cầu bắt buộc phải kéo dài cả bậc Cử nhân và Thạc sĩ. Tại Đại học Postdam, giáo sinh phải hoàn thành 5 đợt thực tập (Thực tập định hướng; Thực tập nhập môn tích hợp; Thực tập Tâm lí – Giáo dục học; Thực tập chẩn đoán Tâm lí học; Thực tập giảng dạy - học kì thực tập trường học) trong suốt quá trình học tập của mình. Đây là những gợi ý hữu ích cho Đại học Giáo dục trong việc đổi mới, cải tiến chương trình Kiến tập – Thực tập sư phạm nhằm nâng cao chất lượng thực hành nghề cho sinh viên.

 

Một nội dung khác cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học – giảng viên dự seminar là vấn đề về dạy học và đánh giá theo năng lực. Tiếp cận vấn đề một cách giản dị và thú vị, TS. Nguyễn Văn Cường đặt ra bài toán: Có một chiếc bánh hình tròn đường kính 30 cm giá 30.000 đồng  và một chiếc bánh hình tròn đường kính 40 cm giá 40.000 đồng; Vậy chiếc bánh nào rẻ hơn? Câu trả lời cho bài toán này đã nói lên mối liên hệ giữa việc dạy kiến thức trong nhà trường và khả năng người học sử dụng những kiến thức ấy vào thực tế đời sống.

 

Cùng với những hoạt động sinh hoạt chuyên môn đã được tổ chức trong năm qua như chia sẻ về “Một số thách thức trong giáo dục đại học Hoa Kỳ” của TS. Tôn Quang Cường và chia sẻ về “Phương pháp sư phạm trong thế kỷ 21 dành cho giảng viên đại học - Israel” của TS. Hoàng Thanh Tú, seminar “Một số kinh nghiệm giáo dục từ CHLB Đức” đã góp phần hiện thức hóa và khẳng định hướng đi của Khoa Sư phạm trong việc chọn lọc, học hỏi những kinh nghiệm giáo dục quốc tế phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy.

 

Thanh Hường - KSP

12:01 21/01/2017

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ