Triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt với đổi mới giáo dục Việt Nam


Triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt với đổi mới giáo dục Việt Nam


Seminar ngày 28/03, vừa qua, PGS.TS Mai Văn Hưng đã trình bày đến các đồng nghiệp, các nhà khoa học và giảng viên trường Đại học Giáo dục với mong muốn giới thiệu tư  tưởng nhân học, nội dung của triết lý khai phóngcủa Wilhelm Humboldt để hiểu hơn về sức mạnh và những ảnh hưởng lớn lao của nó đối với giáo dục đặc biệt là giá trị gợi mở triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt với đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay. 

Theo tác giả, một quốc gia không thể không có triết lý giáo dục, và cần ý thức sâu sắc về vai trò lịch sử và đường hướng của triết lý đó. Vậy triết lý giáo dục là gì? Đâu là triết lý giáo dục Việt Nam?

PGS Mai Văn Hưng đã đưa ra một vài triết lý giáo dục như: triết lý giáo dục của UNESCO, triết lý giáo dục theo tư tưởng Nho học, triết lý giáo dục Mỹ, triết lý giáo dục theo tư tưởng thời phong kiến, triết lý giáo dục ở miền Bắc trước 1975, triết lý giáo dục ở miền Nam trước 1975.

PGS.TS Mai Văn Hưng là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực nhân chủng học đồng thời là nhà nghiên cứu giáo dục.

Từ đó, tác giả đã đi sâu vào chia sẻ và phân tích triết lý giáo dục khai phóng của Wilhelm Humboldt. Theo tác giả, tư tưởng đặc sắc nhất của Humboldt là ở chỗ cho rằng, sự phát triển xã hội không phải chủ yếu dự vào sự thống nhất, mà chủ yếu dự vào sự khác biệt và tính đa dạng của con người trong xã hội. Và nguyên tắc cơ bản của triết lý giáo dục khai phóng là: tự do khoa học (bao gồm cả tự do nghiên cứu, tự do tư tưởng, tư do giảng dạy và học tập) và quyền tự trị dành cho đội ngũ giảng viên và tự chủ dành cho giáo viên. Humboldt muốn tránh cho khoa học khỏi sự chi phối và sự lạm dụng của các xu hứng chính trị và nhà nước. Humboldt chủ trương xây dựng “nền cộng hòa của các học giả”, qua đó sinh viên, giáo viên được học hỏi và có được các tri thức của mình thông qua nghiên cứu riêng dưới sự hướng dẫn của các học giả, các giảng viên.

Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, trên cơ sở những ảnh hưởng và giá trị của triết lý giáo dục khai phóng của Humboldt trong giai đoạn đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay cần: Thứ nhất: Xác định rõ “Triết lý giáo dục” trên tinh thần khai phóng trước khi xây dựng chương trình giáo dục quốc gia. Thứ hai: Xây dựng quy chế tự trị đại học thực sự theo chuẩn mực quốc tế cho các trường đại học. Thứ Ba: Xây dựng quy chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thứ tư: hạn chế tối đa sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động cụ thể của nhà trường.Thứ năm: Cần có chính sách có tính đột phát nhằm thu hút các chuyên gia giáo dục quốc tế và trong nước trong các lĩnh vực khoa học khác nhau. 

Seminar nằm trong chuỗi các hoạt động chuyên môn của Trường Đại học Giáo dục nhằm tăng cường cơ hội trao đổi học thuật giữa các cán bộ, giảng viên và học viên toàn trường.

Friedrich Wilhelm Christian Karl Ferdinand Freiherr von Humboldt (22 tháng 6 năm 1767 - 8 tháng 4 năm 1835) là một viên chức chính phủ, một nhà ngoại giao, triết học và người sáng lập Đại học Humboldt tại Berlin. Wilhelm von Humboldt được nhớ đến nhiều nhất với tư cách là một nhà ngôn ngữ học, người đã có những đóng góp to lớn tới triết học ngôn ngữ cũng như những lý thuyết về giáo dục. Đặc biệt, ông được thừa nhận rộng rãi là nhà kiến trúc sư của hệ thống giáo dục vương quốc Phổ, một hệ thống giáo dục nổi tiếng được áp dụng tại những quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ hay Nhật Bản.

Nói đến đại học hiện đại, cộng đồng học giả thế giới không thể không nghĩ đến cái tên Wilhelm von Humboldt (1767-1835) là nhà cải cách đại học và giáo dục của Phổ thế kỷ thứ 19, và những nguyên lý của ông đặt ra cho Đại học Humboldt (Berlin, Đức) được thành lập năm 1810 trong tinh thần khai phóng và khoa học để giải phóng sự kìm hãm và trì trệ trí thức của nước Phổ ở thế kỷ thứ 18.

Đại học Humboldt (Berlin, Đức) là Bà Mẹ của đại học hiện đại thế giới. Nền đại học hiện đại thế giới, từ châu Âu, Hoa Kỳ, đến Nhật Bản, châu Á… đều mang dòng máu này trong người.

 

UED Media