TS. Nguyễn Bá Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giáo dục cho biết, phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Trường cơ bản giữ ổn định như năm 2021, có một số điều chỉnh nhỏ trong tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh.
TS. Nguyễn Bá Ngọc - Trưởng phòng Đào tạo
Trường ĐH Giáo dục đã công bố Phương thức và dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian xét tuyển và tổ chức xét tuyển. Bên cạnh đó, chuỗi các chương trình tư vấn tuyển sinh theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến được thực hiện đã cung cấp cho thí sinh không chỉ thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Giáo dục mà còn giải đáp các thắc mắc chung về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
|
![]() |
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp PGS.TS. Trần Thành Nam và PGS.TS. Phạm Mạnh Hà
Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp: PGS.TS. Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục và PGS.TS. Phạm Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng đã phổ biến và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích giúp học sinh xác định các kỹ năng, giá trị, sở thích của bản thân và cơ hội nghề nghiệp để các em định hướng được con đường tốt nhất dẫn đến mục tiêu và sự nghiệp của mình.
CHỌN NGHỀ NHƯ THẾ NÀO?
Chọn nghề là vấn đề trăn trở đối với nhiều học sinh trước khi lựa chọn trường đại học phù hợp với sở thích, đam mê và nhu cầu xã hội.
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, 10 nhóm ngành có số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2020 với số lượng trên 10.000 sinh viên là: Kinh doanh và quản lý (60.000), Sức khỏe (22.000), Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (21.000), Công nghệ kỹ thuật (19.000), Nhân văn (16.500), Khoa học tự nhiên (14.400), Khoa học xã hội và hành vi (13.900), Kiến trúc và xây dựng (12.000), Máy tính và Công nghệ thông tin (11.900), Pháp luật (11.800). Đây cũng là 10 ngành có số lượng tuyển sinh và tốt nghiệp cao nhất theo thống kê từ năm 2018 đến năm 2020.
Xu hướng lựa chọn ngành nghề đang có sự dịch chuyển khi yêu cầu của các nhà sử dụng lao động trên thế giới đối với nghề nghiệp trong tương lai là những con người biết khai thác và sử dụng công nghệ. Cụ thể là công nghệ và kỹ năng sử dụng công nghệ chuyên sâu cho ngành nghề lựa chọn mới là vấn đề cơ bản và cốt lõi. Vì vậy, theo chuyên gia: “Học gì thì học đều phải có năng lực 4.0”.
Nhu cầu nhân lực trong nhiều lĩnh vực cũng gia tăng đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, các lĩnh vực như: Chăm sóc sức khỏe (bác sỹ gia đình, nhà tâm lý, điều dưỡng, nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện...); Thương mại điện tử (quản lý và nhân viên trong các chuỗi cung ứng…); Làm việc từ xa (quản lý dự án từ xa, công nghệ…). Bên cạnh đó hàng ngàn công việc mới chưa từng có trong khái niệm ngành nghề cũng ra đời mang đến nhiều cơ hội song cũng đi kèm không ít thách thức. Làm việc ở nhà được dự báo sẽ trở thành xu thế trong tương lai gần, khi công nghệ trở thành yếu tố dẫn đầu và mọi công ty trong tương lai đều là công ty công nghệ.
Ở một góc nhìn cụ thể hơn, PGS.TS. Phạm Mạnh Hà chia sẻ những câu chuyện thực tế về giá trị của nghề nghiệp, giá trị của đam mê, giá trị của cống hiến… để giúp các em liên hệ và định nghĩa lại giá trị của bản thân mình. Định nghĩa lại bản thân để thấy được lựa chọn của mình là nghiêm túc và chín chắn; Để thấy mình có những sở thích, đam mê và những năng lực cần thiết để sẵn sàng trở thành người đứng đầu hoặc thành thạo trong lĩnh vực mà mình đã chọn dù là chuyên gia hay là thợ. Năng lực: Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin, Học tập là những năng lực được PGS.TS. Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh cần phải liên tục tích lũy và phát triển để phù hợp với các ngành nghề trong tương lai. Chuyên gia nhấn mạnh: “Không học sẽ không có việc làm”.
CHỌN TRƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?
Theo chuyên gia, lựa chọn trường cần chú trọng một số yếu tố: Triết lý giáo dục hơn là quy mô; chất lượng mối quan hệ hơn là thầy cô nghiêm khắc, chú trọng kỹ năng mềm thay vì chỉ là kiến thức, chương trình đào tạo cá nhân hóa hơn là số đông. Trường nào cũng sẽ là trường học tốt khi đảm bảo sinh viên được truyền cảm hứng học tập và phát triển toàn diện sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, phát hiện đam mê và có khát khao; Nhà trường có các giá trị nhân văn phổ quát (yêu thương – tôn trọng – trách nhiệm); Người học được phát triển các kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21 (ngoại ngữ - công nghệ thông tin – tư duy tài chính). Sau đó mới cân nhắc đến các yếu tố như: mức độ uy tín, cơ sở vật chất, điều kiện tuyển sinh, học phí, khu vực địa lý, mô hình đào tạo.
Các chuyên gia cũng khuyên học sinh nên định hướng chọn trường, chọn ngành theo 5 nguyên tắc: (1) Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sử thích và hứng thú của bản thân; (2) Không nên chọn nghề mà bản thân không có điều kiện đáp ứng; (3) Chỉ chọn khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề; (4) Không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu; (5) Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa. Và quan trọng hơn cả, người học phải tự định hướng bản thân và là trung tâm của sự lựa chọn.
Việc sử dụng những bộ công cụ chuẩn để giúp bản thân hiểu mình – hiểu nghề - hiểu trường là rất cần thiết. “Đánh giá sự phù hợp tâm lý đối với nghề nghiệp” là một trong những bộ công cụ trắc nghiệm tâm lý được ứng dụng rộng rãi trong các kỳ tuyển sinh và được thiết kế bởi nhóm chuyên gia của Trường ĐH Giáo dục.
THÔNG ĐIỆP HƯỚNG TỚI KỲ THI
Chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên và thông điệp hữu ích giành cho thí sinh:
Hãy mạnh mẽ và tự tin với những thành công và điểm mạnh của bản thân để có được chiến lược giải bài đúng đắn;
Hãy dành thời gian suy nghĩ về chiến lược và tối ưu chiến lược cho kỳ thi hay việc ngồi thế nào cho thoải mái nhất mà vẫn đúng quy chế;
Hãy nhớ lại những thành công trước đây với những bài khó và tiếp tục kiên trì suy nghĩ khi gặp vấn đề khó gây lo lắng;
Hãy tự nhủ với bản thân rằng: “Mình vẫn đang kiểm soát được tình hình, mình đang cố gắng hết sức để làm bài”.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục TS. Nguyễn Đức Huy chúc các em thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới
PGS.TS Trần Thành Nam phân tích xu thế chọn ngành, chọn nghề của các năm liên tiếp và tư vấn các vấn đề chọn ngành nghề, phát triển các kỹ năng và cân bằng giữa yêu thích của cá nhân và sự đòi hỏi của thị trường lao động
PGS.TS Phạm Mạnh Hà đặt vấn đề cho học sinh làm thế nào để phát hiện năng lực và đam mê cá nhân để từ đó chọn ngành nghề phù hợp và khiến bản thâm mang lại giá trị cho cộng đồng.
TS. Nguyễn Bá Ngọc trao đổi các điểm mới trong phương thức tuyển sinh năm nay và điểm mới trong kỳ thi THPT QG năm học này
Năm học 2022, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN tuyển sinh 15 ngành đào tạo đại học chính quy:
|
|
Thông tin tuyển sinh chi tiết các chương trình đào tạo của Trường Đại học Giáo dục vui lòng click vào link: tuyển sinh đại học chính quy
Thông tin liên hệ:
Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: http://education.vnu.edu.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn
Hotline tuyển sinh: 0865964905 hoặc (024) 7301 7123 – máy lẻ 1102 (trong giờ hành chính)
UEd Media