Năng lực người quản lý: Yếu tố quyết định thành, bại của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Trường Đại học Giáo dục, trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục Việt Nam cần phải đổi mới căn bản và toàn diện. Bên cạnh những yếu tố quan trọng khác của một hệ thống giáo dục thì năng lực của giáo viên và người quản lý luôn là yếu tố quyết định thành, bại của mọi cuộc đổi mới giáo dục.

Quản lý là một động từ chứ không phải là một danh từ

 Khi sự thay đổi đến với giáo dục - đào tạo, hơn bao giờ hết các cấp lãnh đạo, quản lý từ cấp cao nhất cho đến những người điều hành trực tiếp từng bộ phận (trưởng khối, tổ trưởng bộ môn, trưởng phòng, giáo viên v.v.., từ đây với tất cả các cấp độ quản lý gọi chung là người quản lý) cần thể hiện được năng lực lãnh đạo, quản lý của mình.

Một trong những rào cản đáng kể nhất của việc đồng hoá có hiệu nghiệm các khái niệm và hành vi quản lý vào các tổ chức giáo dục là quan niệm tồn tại dai dẳng bấy lâu nay cho rằng, quản lý chỉ liên quan đến một nhóm người “quyền cao chức trọng” mà thôi.

Điều đó liên quan đến vị thế và quyền lực. Cần có một chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý. Phải xem quản lý là hoạt động lôi cuốn tất cả các thành viên trong nhà trường/cơ sở giáo dục cùng tham gia, từ người có địa vị cao cho đến từng thành viên trong tổ chức, từng giáo viên, cán bộ công nhân viên, thâm chí từng học sinh, sinh viên nữa.

Quản lý có nghĩa là tiến hành một công việc, là làm cho một sự kiện nảy sinh, là quá trình lôi cuốn tất cả mọi người vào hoạt động của họ trong tổ chức. Quản lý là hoạt động chung của toàn bộ tổ chức.

Có thể có những cách hiểu về quản lý khác nhau trong những tổ chức khác nhau nhưng điều đó chỉ phản ánh sự khác biệt giữa các tổ chức về khía cạnh quy mô, công nghệ, nhân sự và kết quả hoạt động mà thôi, không làm lu mờ quan niệm về quản lý như đã trình bày.

Trong một tổ chức, người quản lý là cầu nối giữa cách làm cũ và cách làm mới. Chính họ cũng là những thành viên và cũng phải trải qua những phản ứng giống như bao người khác - khi đối mặt với những thay đổi lớn lao trong cách sống và cách làm việc, người ta có thể phản ứng một cách tiêu cực, bởi vì không còn nữa những điều ổn định và tiên liệu được mà thay vào đó là là sự lạ lẫm, mơ hồ và hoang mang.

Yếu tố tiền đề này giúp cho người quản lý có thể học được cách hành xử hiệu quả để chính mình thực hiện được sự thay đổi đồng thời giúp cho những người khác thay đổi thành công.

Quản lý là một khái niệm có tính tình huống cụ thế

Không tồn tại “một cách tốt nhất” để quản lý. Quản lý không hề có nghĩa tuyệt đối, phổ quát khi chúng ta áp dụng cách thức quản lý vào những bối cảnh cụ thể. Quản lý chỉ có ý nghĩa khi nó được biến thái trong mỗi tình huống quản lý cụ thể.

Tiền đề này giúp cho người quản lý có tư duy mềm mại hơn, linh hoạt hơn trong các tình huống quản lý khác nhau, chủ động trước những tình huống thay đổi. Người quản lý cần hiểu rõ sự thay đổi ảnh hưởng đến bản thân và những người khác như thế nào, phải suy xét các cảm nhận, động cơ, suy nghĩ của cá nhân về sự thay đổi.

Hiểu rõ sự thay đổi “từ đâu đến?”, phân tích những tác động của thay đổi, xác định được tác động lớn đối với hoạt động của đơn vị/nhà trường là gì? Dùng trí tưởng tượng xem những diễn biển và phản ứng có thể xảy ra không được dự báo trước.

Trong biến đổi, chúng ta thường thấy điều tiêu cực trước rồi mới thấy điều tích cực. Chính vì vậy hãy loại bỏ lối suy nghĩ tiêu cực, hãy tìm ra cơ hội trong bối cảnh biến đổi và yếu tố quyết định và yếu tố quyết định thành công, bởi sự biến đổi nào cũng kèm theo những yêu cầu đặc biệt nào đó, người quản lý cần nhận rõ và sẵn sàng đế đáp ứng theo yêu cầu đó.

Người quản lý là người làm cho sự biến đổi được diễn ra trong một tổ chức, một nhà trường. Ảnh minh họa/internet

Quản lý là một quá trình đòi hỏi sự chấp nhận, tích hợp và đồng hoá

 Vai trò của người quản lý là cực kì quan trọng trong việc dẫn dắt các bộ phận, các thành viên của mình vượt qua quá trình thay đổi, đáp ứng yêu cầu đổi mới để tồn tại và phát triển. Và trên tất cả là người quản lý cần có năng lực thay đổi chính bản thân mình. Để làm được điều đó cần cả một quá trình thay đổi, đòi hỏi những yếu tố có tính tiền đề đối với sự thay đổi của người quản lý.

Người quản lý cần thấu đáo rằng quản lý hiệu nghiệm là kết quả của việc học hỏi lý luận và thực tiễn và áp dụng chúng vào tình huống cụ thể khiến chúng phù hợp với mỗi bối cảnh riêng.

Quá trình đó chính là sự chấp nhận, chiếm lĩnh thực tiễn; còn sự tích hợp được hiểu theo nghĩa của sự tổng hợp, kết hợp các mô hình và thủ tục.

Trình tự tích họp từ các bối cảnh khác để ứng dụng vào bối cảnh của mình và sự đồng hoá dược hiểu là biến đổi, điều chỉnh làm cho phù hợp các hoạt động thực tiễn khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của bối cảnh cụ thể.

Anthony J D’ Angelo từng viết “Hãy học hỏi tò sự thay đổi. đó là điều duy nhất sẽ luôn bất biến”. Để trở thành một nhà quản lý hiệu nghiệm cần phải học quản lý bằng cách thực hiện, trải nghiệm hoạt động quản lý. Quản lý là một quá trình học hỏi, tìm tòi, khám phá, gợi mở.

Do đó phải biết chấp nhận sai lầm như một cơ hội để thay đổi, phát triển, nếu coi sai lầm là thất bại thì không dám thay đổi, tức không thể phát triển được.

Hãy chọn cách phản ứng tích cực trước những biến đổi. Trước mọi biến đổi con người đều có thể rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi hoặc ít an tâm thu mình lại, bác bỏ hoặc phản ứng thái quá.., hãy nhận ra phản ứng tiêu cực của bản thân trước sự biến đối và hãy là chính mình: Dù chúng ta phản ứng thế nào thì sự biến đổi cũng sẽ diễn ra, hãy dám đương đầu với thực tế. Đây là một quá trình thích nghi không dễ, nhưng rất cần thiết.

Quản lý được thể hiện trong hành vi của người quản lý

Xác định những giá trị cốt lõi và mục đích của tổ chức/nhà trường trong quá trình biến đổi là điều kiện tiên quyết để có thể vượt qua những khó khăn tất yếu của thời kỳ đầu biến đổi. Tiền đề này nhấn mạnh người quản lý khi ra quyết định quản lý hãy nghĩ đến, hãy vì quyền lợi của học sinh, sinh viên. Đừng để tình trạng mập mờ, thiếu rõ ràng của bối cành biến đổi cản trở, hãy cộng tác, lôi kéo đồng nghiệp tham gia vào bàn luận trao đổi thực thi các giá trị và mục đích cần thay đổi.

Nếu quản lý là hành động thì tiêu chuẩn đối với tính hiệu nghiệm là phạm vi mà các kết quả đạt được phải chuyển thành những biến đổi có thể quan sát được.

Người quản lý hiệu nghiệm phải có khả năng tiếp cận và xử lý hàng loạt những tình huống và vấn đề phức tạp. Quản lý sự căng thẳng, đối đầu giữa lý thuyết và thực tiễn đầy biến động đòi hỏi người quản lý phải có kĩ năng phân tích, xác định ưu tiên và kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Người quản lý là người làm cho sự biến đổi được diễn ra trong một tổ chức, một nhà trường. Nếu người quản lý làm điều mình nói, hành xử nhất quán với những nội dung mình đã truyền đạt, thực hiện các cam kết và lời hứa, thể hiện lòng nhiệt tình và khí thế về những thay đổi đang diễn ra thì thành viên của nhà trường cũng sẽ cảm thấy họ cũng có thể bắt tay vào đổi mới giáo dục và cam kết với sự thay đổi.

Người quản lý hãy chủ ý cách hành xử của bản thân. Trong bối cảnh diễn ra thay đổi mọi thành viên trong nhà trường/trong tổ chức đều dồn mắt quan sát người quản lý, hãy cẩn trọng từng hành vi, nếu không, có thể người quản lý sẽ phá hỏng những điều đã tuyên bố hay truyền đạt về sự thay đổi.

"Hãy tỏ ra hăng hái và nhiệt huyết, mọi người sẽ nhận thấy qua những điều người quản lý nói và làm, hãy là hiện thân của sự thay đổi. Để trở thành nhà quản lý hiệu nghiệm, người quản lý cần học cách tham gia vào các cuộc tranh luận về mục đích và giá trị. Sự tồn tại của kết quả quản lý liên quan tới một tập hợp các giá trị, ý nghĩa của kết quả. Để trở thành người quản lý hiệu nghiệm cần hình thành và phát triển năng lực hiểu biết bản chất của kết quả và liên hệ chúng với hệ thống giá trị thích hợp" - GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc.

10:03 02/03/2018

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ