Phần mềm trợ lý giáo viên ảo

Để nhận diện được năng lực của giáo viên, từ đó cơ sở giáo dục và bản thân giáo viên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, PGS.TS. Phạm Kim Chung, Trường ĐHGD đã xây dựng thành công phần mềm “trợ lí giáo viên ảo” giúp giáo viên và các nhà lãnh đạo quản lí hồ sơ dạy học, tích lũy các minh chứng trong suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp và tự đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

Sự cần thiết của phần mềm đánh giá giáo viên

Ðội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công đổi mới giáo dục phổ thông. Để giáo viên phổ thông tự đánh giá và cơ sở giáo dục đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, ngày 22 tháng 08 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Tiếp đó, Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên gồm 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí. Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo có những hướng dẫn cụ thể về quy trình, cách thức đánh giá và gợi ý giáo viên cung cấp thêm minh chứng là các bằng chứng được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí. Nhiều minh chứng giáo viên có sẵn như kế hoạch bài dạy, tư liệu dạy học, sổ kế hoạch bộ môn, sổ điểm, sổ tự học bồi dưỡng... Nhưng một số tiêu chí khác giáo viên lại phải tìm kiếm mất rất nhiều thời gian. Có những tiêu chí giáo viên còn khó khăn trong việc tìm nguồn minh chứng để chứng minh.

Trong các “tiêu chuẩn” và “tiêu chí” của bản đánh giá chuẩn giáo viên thì có nhiều tiêu chí, với các tiêu chí lại có các mức độ “Đạt”, “Khá”, “Tốt”. Minh chứng đạt được ở mức độ tốt của tiêu chí phải bao gồm minh chứng đạt được mức độ khá và minh chứng đạt được theo yêu cầu của mức độ tốt của tiêu chí; Minh chứng đạt được ở mức độ khá của tiêu chí phải bao gồm minh chứng đạt được ở mức độ đạt và minh chứng đạt được theo yêu cầu của mức độ khá của tiêu chí. Minh chứng có thể được bổ sung/thay thế phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường, địa phương.

Thực tiễn việc đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp trước đây còn những bất cập, hạn chế, đặc biệt là việc sử dụng kết quả đánh giá để cơ sở giáo dục xác định đúng mục tiêu đào tạo, lập kế hoạch thực hiện đào tào, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, không chỉ chú trọng đến việc bồi dưỡng kiến thức và kĩ năng sư phạm mà cần quan tâm đúng mức tới các phẩm chất, năng lực khác của giáo viên. Việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo đòi hỏi giáo viên luôn phải được coi trọng, trong đó giáo viên phải thường xuyên đánh giá những mặt được, mặt còn hạn chế, từ đó có phương hướng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Xây dựng thành công phần mềm “Trợ lý giáo viên ảo”

Xu hướng tiếp cận công nghệ phần mềm trên thiết bị điện tử di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng hiện nay rất phát triển. Thiết bị di động có khả năng kết hợp các tương tác công nghệ di động vào tương tác sư phạm tạo ra một môi trường dạy học luôn thay đổi. Kết quả cho thấy việc nâng cao sự hài lòng của người học, khuyến khích người học tự chủ, trao quyền cho các chức năng hệ thống và làm phong phú các hoạt động tương tác và giao tiếp có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến việc chấp nhận hệ thống m-learning. Điện thoại thông minh có nhiều chức năng tiện ích như kết nối Internet, lưu trữ, quản lí các file dữ liệu, chụp hình, quay video... bằng những tiện ích này, giáo viên có thể đưa các tư liệu dạy học, chụp hình, quay video các hoạt động nghề nghiệp của mình để tạo thành các minh chứng xác đáng cho việc đạt được các mức độ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Khi cần đánh giá theo chuẩn, giáo viên có thể download các tập tin đó tạo thành bộ hồ sơ minh chứng theo chuẩn nghề nghiệp. Việc xây dựng phần mềm trên điện thoại hỗ trợ giáo viên có thể tự đánh giá trong suốt năm học hoặc theo học kỳ để theo dõi sự tiến bộ của bản than theo thời gian thực.

Kiến trúc chung cho các phần mềm tương tác trên điện thoại di động có thể theo mô hình “Truy cập di động mở” (Open Mobile Access Abstract Framework - OMAF). Điều này cung cấp các dịch vụ chung, như đăng ký, quản lý nội dung và các công cụ cụ thể cho tương tác và bối cảnh di động, trong đó gồm: Máy tính lưu trữ, lớp ứng dụng di động, lớp dịch vụ chung, lớp dịch vụ thực hiện chức năng, lớp hạ tầng thông tin.

Để có thể lưu trữ, quản lý một lượng lớn các dữ liệu trong thời gian dài cần thiết xây dựng một hệ thống không chỉ hoạt động trên điện thoại di động mà cần lưu trữ trên máy chủ trên Internet, phần mềm trên điện thoại kết nối với máy chủ cho phép tải dữ liêu lên máy chủ hoặc download về điện thoại hoặc máy vi tính.

Một thành phần quan trọng trong phần mềm “Trợ lí giáo viên ảo” được lập trình bằng ngôn ngữ lập trình Java, C#, cho thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android. Sau khi cài đặt phần mềm trên điện thoại di động và khởi động phần mềm, đăng kí tài khoản và đăng nhập. Phần mềm tự động kết nối với website trên máy chủ. Màn hình trang chủ và menu các chức năng của phần mềm xuất hiện cho phép người dùng có thể upload, download tạo hồ sơ dạy học, hồ sơ giáo viên, văn bản pháp quy cần tham khảo, đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, trong đó xuất hiện các tiêu chuẩn và tiêu chí cho phép giáo viên tự đánh giá và cho phép sưu tầm các minh chứng với nhiều hình thức khác nhau như tải các file, chụp hình, quay video và lưu trữ thành hồ sơ trên máy chủ. Các chức năng chính của phần mềm hỗ trợ giáo viên bao gồm:

Thứ nhất, hỗ trợ lưu trữ, quản lý hồ sơ dạy học cá nhân: Khi chọn chức năng “Hồ sơ cá nhân”, màn hình xuất hiện. Chức năng này cho phép giáo viên ghi thông tin cá nhân, cập nhật hồ sơ dạy học như: kế hoạch dạy học, các bài giảng điện tử và các tư liệu dạy học khác. Với các thiết bị kết nối điện thoại thông minh với máy chiếu hoặc ti vi, giáo viên có thể mở các tư liệu dạy học này để tổ chức dạy học trên lớp. Các tư liệu có thể được giáo viên chia sẻ trong kho tư liệu dùng chung.

Thứ hai, hỗ trợ lưu trữ, quản lý các văn bản: Việc tìm hiểu, ghi nhớ nội dung các văn bản là công việc mất nhiều thời gian của giáo viên, với chức năng quản lý các văn bản, giáo viên có thể lưu trữ, quản lý các văn bản như: văn bản pháp quy liên quan đến công tác, các quyết định nâng lương, các bằng cấp, chứng chỉ… Với chức năng “tìm kiếm”, giáo viên có thể tìm nhanh chóng tìm được các văn bản cần thiết và tìm hiểu nội dung các văn bản “mọi lúc, mọi nơi”.

Thứ ba, hỗ trợ giáo viên tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp: Việc đánh giá năng lực giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, trong Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, tiêu chí và các mức độ đạt được, đồng thời giáo viên cần sưu tầm, lưu trữ, quản lý đa dạng các minh chứng. Các minh chứng có thể là các kế hoạch dạy học, các hình ảnh, video, các file ghi âm phỏng vấn cha mẹ học sinh… bằng chức năng “Đánh giá giáo viên theo thông tư 20”...

Các chức năng trên cho phép giáo viên quản lý các thông tin cá nhân của mình, những thông tin này chỉ người quản trị hệ thống mới có thể truy cập được hoặc chỉ khi giáo viên nhấn nút chia sẻ thì mới công khai. Các nhà quản lí tại cơ sở giáo dục muốn xem thông tin của từng giáo viên thì cần được cấp quyền quản trị thì mới được xem hoặc sửa các thông tin đó.

Đánh giá hiệu quả của phần mềm “Trợ lí giáo viên ảo” đối với hoạt động giảng dạy của giáo viên phổ thông, phần mềm đã triển khai thử nghiệm đối với 74 giáo viên phổ thông hiện đang là học viên sau đại học và sinh viên sư phạm năm thứ 4 của Trường Đại học Giáo dục. Sau đó điều tra ý kiến đánh giá của người sử dụng bằng phiếu khảo sát theo mô hình tiếp cận công nghệ (TAM) của F.D.Davis (1989), với giả thuyết về sử dụng sản phẩm công nghệ của người dùng dựa trên ba đặc điểm: Tính hữu ích, tính dễ sử dụng và mong muốn sử dụng. Từ bảng số liệu cho thấy, phần mềm đã giúp giáo viên tự đánh giá theo chuẩn dễ dàng: (88% giáo viên đánh giá đạt khá và tốt), dễ dàng sưu tầm các minh chứng để đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp (87% đánh giá mức khá và tốt), trên 80% đánh giá phần mềm có hình ảnh rõ nét, hấp dẫn, hình ảnh trên dễ đọc, giao diện đẹp.

Như vậy, có thể thấy rằng, phần mềm “Trợ lí giáo viên ảo” của Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN sử dụng trên điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử di động, đồng thời có thể chạy trên máy vi tính có kết nối Internet hỗ trợ tốt cho giáo viên sưu tầm, quản lí hồ sơ dạy học, tích lũy các minh chứng trong suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp và tự đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

 

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ