PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục: Cơ sở đào tạo giáo viên cần đổi mới để bắt nhịp yêu cầu mới

(GDTĐ) - Điểm mới trong tuyển sinh sư phạm năm 2019 là một trong những nội dung được xã hội rất quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Bên cạnh công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần phải xây dựng thêm các chương trình đào tạo mới, điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn mới theo hướng phát triển năng lực… Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Giáo dục Thủ đô đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (ĐHGD), Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đích đến là tuyển được sinh viên sư phạm có chất lượng

*Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo giáo viên có một số điểm mới, xin PGS cho biết suy nghĩ của mình trước những quy định mới trong công tác tuyển sinh sư phạm năm nay?

-Theo thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT, thông tư mới nhất Bộ GD&ĐT đã ban hành có sửa đổi bổ sung một số điều về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy thì năm nay có điểm mới là Bộ GD&ĐT xác định điểm sàn với khối sư phạm. Theo đó, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học đối với các ngành đào tạo giáo viên tối thiểu là 8,0 điểm trở lên, với hệ trung cấp hay cao đẳng là 6,5 trở lên.

Ngoài ra, năm nay Bộ cũng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên là trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Điều này để nhằm mục đích nâng cao chất lượng đầu vào, đặc biệt đối với ngành đào tạo giáo viên.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành

Điểm mới thứ hai không nêu trong thông tư mà được triển khai khi phân bổ chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên. Như chúng ta đã biết, hiện nay, công tác đào tạo, sử dụng giáo viên còn một số bất cập vì lý do lịch sử từ những năm trước để lại, đó là một số ngành thì thừa, một số ngành lại thiếu. Ví dụ ngành học của mầm non thiếu, còn một số ngành học của THPT vừa thừa, vừa thiếu bộ phận. Một số ngành mới như kỹ thuật thì thiếu nhưng những ngành như Sinh, Sử lại thừa. Cho nên Bộ đã tìm kiếm dữ liệu thông tin từ các tỉnh thành yêu cầu quy hoạch cho nhu cầu đào tạo giáo viên. Năm nay, về chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ sẽ phân về các trường, các cơ sở đào tạo giáo viên dựa trên hai tiêu chí là quy hoạch tổng thể nhu cầu đào tạo giáo viên và thứ hai là dựa vào điều kiện đảm bảo chất lượng. Các trường khi có chương trình đào tạo được kiểm định sẽ được ưu tiên cung cấp chỉ tiêu.

Điểm mới thứ ba là để thực hiện việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ đã công bố khung chương trình giáo dục phổ thông mới từ tháng 12/2018, trong đó có một số môn học mới, ví dụ ở cấp THCS có môn Khoa học tự nhiên, THPT có Giáo dục nghệ thuật hay có thêm hoạt động trải nghiệm từ cấp tiểu học đến THPT. Do đó, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên cũng phải được điều chỉnh bổ sung để thích nghi. Năm nay là năm thứ hai có chỉ tiêu về ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên đối với các trường có chương trình đào tạo và có đề án tuyển sinh được Bộ phê duyệt.

Điểm mới thứ tư là để nâng cao chất lượng trong quy trình coi thi cũng như chấm thi, năm 2019, Bộ GD&ĐT đã ứng dụng CNTT trong việc coi, chấm thi cũng như trong việc tổ chức thi với yêu cầu các trường đại học tham gia vào công tác này nhiều hơn. Trưởng các điểm thi sẽ là cán bộ của các trường đại học chứ không phải của các trường phổ thông như những năm trước.

Đó chính là 4 điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay đối với ngành đào tạo sư phạm. Theo tôi, các điểm mới này nhằm giúp chúng ta tuyển được những sinh viên có chất lượng, đáp ứng được các điều kiện đổi mới giáo dục phổ thông cũng như đảm bảo chất lượng tốt hơn cho công tác tuyển sinh.

*PGS có thể cho biết cụ thể về phương án tuyển sinh sư phạm của trường Đại học Giáo dục?

- Trường Đại học Giáo dục là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những trường tốp đầu của các trường đại học ở Việt Nam.

Trường ĐH Giáo dục tuyển sinh theo các phương thức sau:

Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và của ĐH Quốc gia Hà Nội. Phương thức xét tuyển theo kết quả tổ hợp các môn thi/bài thi THPT Quốc gia: căn cứ trên điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT và của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế A-level của Trung tâm khảo thí đại học Cambridge, Anh: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với thí sinh sử dụng chứng chỉ A-level là điểm mỗi môn thi trong tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng đạt 60/100 điểm (tương ứng điểm C trong thang đo của A-level).

Đợt bổ sung, trường Đại học Giáo dục sử dụng phương thức xét tuyển theo kết quả tổ hợp các môn thi/bài thi THPT Quốc gia.

Năm 2019, bên cạnh các mã ngành đã đào tạo, năm nay trường Đại học Giáo dục tuyển sinh thêm 5 ngành mới bao gồm: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Quản trị công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường và Khoa học giáo dục. Riêng về đào tạo giáo viên, ngoài Sư phạm Khoa học tự nhiên, nhà trường có tuyển sinh theo 6 ngành truyền thống đó là Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học và Lịch sử. Đặc biệt, nhà trường có tuyển sinh theo nhóm ngành, khi các em học sinh đăng ký sẽ đăng ký theo nhóm ngành gọi là Giáo dục 1, Giáo dục 2 và Giáo dục 3. Ngành Giáo dục 1 bao gồm Sư phạm Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý và Sư phạm Khoa học tự nhiên. Ngành giáo dục 2 gồm Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử. Ngành Giáo dục 3 gồm các ngành đào tạo khác trong lĩnh vực giáo dục. Mục đích là để học sinh có thể đăng ký theo nguyện vọng và có cơ hội trải nghiệm nội dung học tập theo các hướng ngành khác nhau. Sau khi sinh viên hoàn thành các phần chung trong năm học thứ nhất, nhà trường sẽ xét phân ngành cho các em dựa theo các căn cứ là thứ tự ưu tiên nguyện vọng của sinh viên, kết quả thi THPT Quốc gia theo tổ hợp xét tuyển thí sinh đã đăng ký và quan trọng nhất là kết quả học tập của năm thứ nhất, do đó kết quả học tập của môn chuyên môn sẽ nhân hệ số 2.

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh về 10 điểm nhấn trong tuyển sinh đại học của trường Đại học Giáo dục là:

1. Trường ĐHGD tuyển sinh theo nhóm, chọn ngành sau năm thứ nhất. Hình thức này giúp thí sinh chọn ngành kỹ lưỡng và thực sự phù hợp hơn với năng lực và sở thích.

2. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp rất cao, theo khảo sát năm 2018, tỷ lệ này là 94,6%. Các ngành mới rất nhiều cơ hội việc làm vì đó là những lĩnh vực mới, phù hợp với cơ cấu lao động hiện đại, được đào tạo duy nhất tại trường ĐHGD cho nên ít có sự cạnh tranh. Các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và năng lực đáp ứng được các đơn vị cam kết nhận sau khi tốt nghiệp.

3. Sinh viên ngành sư phạm không phải đóng học phí. Sinh viên học giỏi có học bổng. 100% sinh viên các ngành ngoài sư phạm trúng tuyển năm 2019 sẽ nhận học bổng với các mức độ khác nhau, tùy theo kết quả thi đầu vào.

4. Sinh viên trường ĐHGD được học bằng phương pháp dạy học hỗn hợp (blended teaching) trên nền tảng phần mềm Moodle, những thiết bị và phòng thí nghiệm hiện đại, có thể thực hành học tập về thực tại ảo, thực tại tăng cường, 3D.

5. Sinh viên của nhà trường được học với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về khoa học cơ bản, công nghệ và khoa học giáo dục trong trường ĐHGD và các trường thành viên khác của ĐHGD như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Công nghệ…

6. Sinh viên có thể lựa chọn học để nhận bằng đại học thứ hai với các ngành hấp dẫn trong trường như tham vấn học đường, quản trị trường học, quản trị công nghệ giáo dục, quản trị chất lượng, cử nhân khoa học giáo dục cũng như tại các trường thành viên của ĐHGD.

7. Sinh viên có thể tăng cường năng lực tiếng Anh hoặc khả năng dạy phổ thông bằng tiếng Anh thông qua việc lựa chọn học các module chuyên môn dạy bằng tiếng Anh.

8. Sinh viên có cơ hội được thực tập tại trường THPT Khoa học giáo dục thuộc trường ĐHGD và tại 14 trường phổ thông đối tác (gồm cả công lập, tư thục chất lượng cao).

9. Sinh viên trường ĐHGD có thể tham gia các vị trí thực tập mở cho nhiều vị trí, qua đó vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, phát triển kỹ năng vừa có thêm thu nhập.

10. Sinh viên được tham gia các đề tài, được cấp kinh phí nghiên cứu như một đối tác bình đẳng với giáo viên.

*PGS có lời khuyên gì đối với thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi vào ngành sư phạm?

- Đối với việc đăng ký dự thi vào ngành sư phạm, thí sinh cũng như các vị phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin về tuyển sinh ngành sư phạm năm nay, các chương trình đào tạo cũng như đề án tuyển sinh của các nhà trường. Bên cạnh đó, các em phải chuẩn bị tốt nhất hành trang về kiến thức cho mình, thông qua các đợt thi thử ở lớp 12, các em đặt ra mục tiêu xem điểm của mình qua các lần thi thử so với điểm đầu vào năm trước của các trường đào tạo giáo viên như thế nào để có lựa chọn phù hợp nhất với năng lực của mình. Từ đó các em có kế hoạch ôn tập một cách tốt nhất.

Một điều nữa theo tôi rất quan trọng là dựa trên kết quả học tập của bản thân, các em trao đổi với phụ huynh, với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn -là người gắn bó nhất, sâu sát nhất, biết được sở trường, năng lực, nguyện vọng của các em từ đó giúp các em đưa ra lựa chọn đúng nhất. Nhất là với ngành giáo viên đòi hỏi sự cống hiến, đam mê, lòng yêu nghề rất lớn, các em phải vừa thấy được những cơ hội nhưng cũng thấy được những thách thức để có quyết tâm cống hiến nếu muốn gắn bó với nghề.

Điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn mới theo hướng phát triển năng lực

*Năm học 2020-2021, chúng ta bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo PGS, để bắt kịp với chương trình mới các cơ sở đào tạo giáo viên cần phải đổi mới như thế nào trong công tác đào tạo của mình?

- Theo tôi, trước tiên các trường phải xây dựng chương trình đào tạo mới, các chương trình liên quan đến những nội dung trong chương trình GDPT mới để giáo viên đáp ứng với việc dạy các môn mới như Khoa học tự nhiên (ở cấp THCS). Vừa đào tạo vừa bồi dưỡng những giáo viên đang dạy Lý, Hóa, Sinh ở THCS có thể dạy được môn Khoa học tự nhiên. Ngoài ra là môn Giáo dục Nghệ thuật (ở cấp THPT), các chương trình liên quan đến quản trị nhà trường, công nghệ trong giáo dục hay tư vấn học đường.

(Ảnh minh họa)

Như chúng ta đã biết đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực đòi hỏi giáo viên cũng phải có năng lực vì vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên cần phải điều chỉnh chương trình đào tạo để có thể đáp ứng được chuẩn mới theo hướng phát triển năng lực, đặc biệt là tăng cường các kỹ năng.

Bên cạnh đó, để đào tạo học sinh đáp ứng được yêu cầu hội nhập đặc biệt là trước bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chương trình giáo dục phổ thông mới đã quy định phải có 5 phẩm chất, 10 năng lực trong đó có 3 năng lực chung là năng lực tự học tự chủ, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực giao tiếp và hợp tác. Như vậy trong chương trình đào tạo giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp dạy học để sinh viên sư phạm hình thành các kỹ năng, năng lực đó cũng như phải ứng dụng CNTT vào đào tạo đáp ứng được sự phát triển cũng như tiến bộ về công nghệ hiện nay.

Ngoài ra, phải có sự kết nối với các cơ sở sử dụng, ở đây chính là các trường phổ thông để cho sinh viên ngay từ năm thứ 2 đã được thực hành nghề nghiệp, biết được công việc giảng dạy trong tương lai đòi hỏi những kỹ năng, yêu cầu gì, giúp các em có một trải nghiệm nghề nghiệp tốt nhất. Hiện nay các trường đều nhấn mạnh về đào tạo kỹ năng. Đối với trường ĐHGD, khi cho sinh viên đi thực hành, kiến tập, thực tập từ năm thứ 2 các em có thể làm được các dự án phát triển kỹ năng mềm trong quá trình xây dựng hồ sơ sinh viên, xây dựng các hệ thống giáo án mà các em sẽ dạy. Việc xây dựng này có sự kết hợp cả giảng viên của trường với giáo viên các trường phổ thông.

Cuối cùng, phát triển chương trình GDPT theo định hướng phát triển năng lực tức là mong muốn học sinh giải quyết được các vấn đề thực tiễn, điều đó đòi hỏi sinh viên sư phạm, những giáo viên tương lai, cũng phải được hình thành năng lực để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các năng lực giải quyết thực tiễn thường không sử dụng kiến thức riêng lẻ trong một môn học mà sẽ là các kiến thức liên môn. Như vậy chương trình đào tạo của các nhà trường cũng phải hướng tới việc đào tạo tích hợp liên môn.

*Được biết, năm 2019, một số trường đại học, cao đẳng sư phạm bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm liên môn như khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý, giáo dục công dân, giáo dục pháp luật chuẩn bị đội ngũ thực hiện chương trình GDPT mới..., Khoa sư phạm của trường Đại học Giáo dục đã có đề án gì cho chương trình đào tạo này?

- Năm nay, trường ĐHGD có 5 chương trình đào tạo cử nhân mới. Trong đó, chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm khoa học tự nhiên là một chương trình mới mà ở Việt Nam hiện nay, trường ĐHGD là một trong hai cơ sở duy nhất có mã ngành đào tạo Sư phạm khoa học tự nhiên. Một số cơ sở đào tạo giáo viên khác cũng đang trong quá trình xây dựng chương trình để được Bộ GD&ĐT thẩm định và phê duyệt.

Ngoài việc xây dựng chương trình nói trên, chúng tôi có điều chỉnh chương trình đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo, ứng dụng CNTT trong đào tạo. VD, điều chỉnh bổ sung những môn mới, học phần nhấn mạnh về kỹ năng, ứng dụng CNTT.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các phòng thực hành Lý, Hóa, Sinh hiện đại dành riêng cho đào tạo sư phạm các môn khoa học tự nhiên trong đó nhấn mạnh đến đào tạo theo định hướng STEM. Phòng Lý, Hóa, Sinh là một môi trường rất tốt để sinh viên trong quá trình học xây dựng các dự án STEM. Chúng tôi cũng kết nối với các trường phổ thông để tổ chức các Ngày hội STEM tại trường phổ thông hoặc tổ chức các ngày “Open day” tại trường ĐHGD. Bên cạnh đó, nhà trường còn mời chuyên gia nước ngoài đến tập huấn bồi dưỡng về ngành khoa học tự nhiên, đào tạo sử dụng các công nghệ về thực tại ảo, thực tại tăng cường, dạy học thích ứng cho giảng viên.

Thầy cô giáo cần trở thành nhà giáo dục, không phải thợ dạy

*Thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, tác động xấu đến môi trường giáo dục và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Là người đã từng có thời gian công tác tại các trường phổ thông, PGS suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Theo tôi nghĩ, hàng ngày giáo viên đều có rất nhiều hành động đẹp vì học sinh thân yêu của chúng ta. Một số hành vi lệch chuẩn mà báo chí đã lên tiếng thực ra chỉ là thiểu số. Và đôi lúc các phương tiện truyền thông cũng chưa thật công bằng khi thổi phồng những hiện tượng thiểu số đó lên trong khi những hành vi đẹp lại chưa được chú trọng tuyên truyền. Tuy nhiên, các hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức nhà giáo này cũng đặt ra một số vấn đề đối với việc đào tạo trong các cơ sở đào tạo giáo viên cũng như việc bồi dưỡng đối với giáo viên trong các trường phổ thông.

*Vậy theo PGS chúng ta cần phải làm gì để nâng cao đạo đức nhà giáo?

- Như tôi đã nói ở trên, trước tiên các cơ sở đào tạo cần tăng thêm những học phần về tâm lý giáo dục học, các chương trình bồi dưỡng kỹ năng, tạo môi trường để sinh viên – những giáo viên tương lai - có thể hình thành các kỹ năng mềm, liên quan đến các vấn đề tâm lý lứa tuổi thông qua các hình thức khác nhau như Câu lạc bộ, các nội dung được triển khai đa dạng như các dự án.

(Ảnh minh họa)

Không chỉ đối với các cơ sở đào tạo giáo viên mà các trường phổ thông cũng phải đưa các nội dung về kỹ năng sống đến với học sinh thông qua hoạt động của các câu lạc bộ hay các hoạt động trải nghiệm; tư vấn, định hướng để học sinh biết được những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường dưới góc độ tâm lý giáo dục.

Trong thế giới phẳng, những thông tin, hoạt động, việc làm mà học sinh đưa lên mạng, nhiều khi giáo viên chưa được đào tạo để xử lý vì vậy cần có những chương trình bồi dưỡng, tập huấn để giáo viên biết về tâm lý lứa tuổi hiện nay cũng như kỹ năng trao đổi, hành xử với phụ huynh. Giáo viên cũng cần biết rõ những điều được làm, những điều không nên làm trong bối cảnh mới.

Ngoài ra tôi nghĩ, chúng ta cũng nên tổ chức quản trị nhà trường khoa học, hạn chế các loại sổ sách không cần thiết, ứng dụng công nghệ thông tin để có thể giảm tải các công việc hành chính giúp cho các thầy cô có thời gian, sức lực tập trung vào công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, chúng ta phải kiện toàn hệ thống các quy định về pháp luật, có cơ chế chính sách hỗ trợ giáo viên, giảm tải công việc cho các thầy cô. Các thầy cô cần trở thành nhà giáo dục, không phải thợ dạy. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua, dù có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, riêng Bộ GD&ĐT có trên dưới 10 thông tư liên quan và các văn bản, tuy nhiên, bạo lực học đường có xu hướng lan rộng. Do đó, ngành phải chủ động, tích cực và nhấn mạnh đến các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa chủ động chứ không phải chỉ xử phạt, răn đe bị động.

*Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Giang Nguyễn - Hồng Hà

(Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 5+6/2019)

06:05 18/05/2019

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ