Dạy học, thực hành STEM đơn giản tại trường và tại nhà cấp Tiểu học

Ngày 10/10/2021, trong khuôn khổ các hoạt động của Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học do ĐHQGHN và VNPT phối hợp thực hiện. Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Dạy học, thực hành STEM đơn giản tại trường và tại nhà Cấp Tiểu học”.

Toạ đàm có sự tham dự của 2 chuyên gia: Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN; Thạc sĩ Đinh Thu Hồng – chuyên gia Giáo dục tại bang Georgia, Hoa Kỳ.

Chương trình được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom Meeting và thu hút được trên 5000 giáo viên theo dõi trên trực tiếp tại fanpage Đại học Quốc gia Hà Nội-VNU, fanpage Trường Đại học Giáo dục và Kênh Youtube của ĐHQGHN.

Nội dung chia sẻ của buổi Toạ đàm xoay quanh các vấn đề: Dạy học khoa học ở tiểu học theo tiếp cận STEM; So sánh chương trình khoa học tự nhiên của Việt Nam với chương trình khoa học tự nhiên Tiểu học của Mỹ; Thực hành STEM chuẩn Mỹ đơn giản và hiệu quả cho mọi người; Hướng dẫn thực hành 1 chủ đề STEM cho học sinh Tiểu học.

STEM là một chiến thuật giảng dạy thông qua những bài học/ dự án. STEM kết hợp Toán (Math) với Khoa học tự nhiên (Science) cùng Công nghệ (Technology) để giải quyết vấn đề thực tiễn; còn yếu tố Kỹ thuật (Engineering) nằm ngay trong quá trình thực hiện dự án để giải quyết vấn đề.

Thạc sĩ Đinh Thu Hồng chia sẻ tại buổi Toạ đàm

Theo Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, việc học STEM rất quan trọng để trẻ em Việt Nam hòa nhập với thế giới sau này, nhưng nếu chưa hiểu đến bản chất vấn đề thì rất khó làm đúng, dạy đúng, đầu tư thời gian và chi tiền đúng đắn cho việc học STEM của trẻ.

STEM mang đến những trải nghiệm hoạt động học tập thú vị, chú trọng giao tiếp trong một bài học đơn lẻ căn cứ trên một vấn đề hay trong một dự án gồm nhiều bài học khác nhau và xâu chuỗi với nhau. Cả bài học lẫn dự án đều xuất phát từ thực tiễn; đều gồm các quá trình thiết kế, sáng tạo, phân tích dữ liệu, ứng dụng công cụ của đời sống để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề.

Ths. Đinh Thu Hồng cũng có những chia sẻ sâu hơn với giáo viên viên và phụ huynh về các chương trình STEM tại Mỹ, việc triển khai một bài học STEM cần được bắt đầu từ khoa học tự nhiên ví dụ điển hình như khoa học sự sống, khoa học vật lý và khoa học trái đất, đồng thời lồng ghép nội dung các yếu tố Toán, Công nghệ và Kỹ thuật trong nội dung bài học. STEM tại nhà trở nên thật đơn giản dưới những hướng dẫn chi tiết của Ths. Đinh Thu Hồng.

TS. Bùi Thị Thanh Hương (bên phải) và MC Dạ Hương (bên trái)

TS. Bùi Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – là tác giả và chủ biên của nhiều đầu sách về STEM và là người được truyền thông nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây với những dự án nghiên cứu về giáo dục môi trường. Cô đã có những chia sẻ rất hiện thực về “STEM+ tái tuần hoàn rác thải thông minh: từ ý tưởng đến hành động trong các trường Tiểu học”.

Từ việc tái hiện những không gian các trường Tiểu học ở nước ngoài được tạo nên từ các sản phẩm tái chế của học trò đến các vấn nạn rác thải tại các trường Tiểu học ở Việt Nam đặc biệt là rác thải sau các thảm họa thiên tai: lũ lụt, sạt lở đất tại các trường Tiểu học ở Miền Trung, Trung du Miền núi Phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cô đã chia sẻ các nội dung tích hợp tái tuần hoàn rác thải vào chương trình Giáo dục Tiểu học hiện hành theo 2 hướng tiếp cận STEM+ bài học và STEM+ chủ đề. Việc vận dụng lý thuyết STEM+ vào các bài dạy tại trường Tiểu học cô đưa ra thật rõ ràng, dễ hiểu thông qua phân tích 1 video bài giảng mẫu theo hướng tiếp cận STEM+ bài học về “chế tạo bình lọc nước mini” và phân tích 1 giáo án mẫu theo hướng tiếp cận STEM+ chủ đề về “chế tạo phao cứu sinh đơn giản”.

 

Bên cạnh đó, các diễn giả và chuyên gia khách mời PGS.TS. Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm và PGS.TS. Mai Văn Hưng – Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Tự nhiên cũng chia sẻ thêm các vấn đề liên quan tới tiêu chí đánh giá một dự án hay một bài học STEM; cách thức tổ chức hoạt động dạy và học STEM trong bối cảnh học tập trực tuyến.

Thông qua chương trình Toạ đàm, các chuyên gia mong muốn gửi tới các giáo viên, phụ huynh thông điệp: “tự bản thân mỗi đứa trẻ đã sẵn có tố chất STEM; STEM là phương pháp giáo dục dành cho tất cả mọi người, mọi đối tượng học trò. STEM không phải là phương pháp giáo dục xa vời và đắt đỏ. STEM thực sự gần gũi và mọi người đều rất dễ thực hành trong gia đình hay nhà trường”.

Các chuyên gia nghiên cứu về STEM của trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN đã phát triển lý thuyết STEM thành STEM plus hay STEM+, bổ sung thêm các yếu tố khoa học xã hội vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. STEM+ thân thiện với tất cả các giáo viên thuộc các bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Tại Trường Đại học Giáo dục, dự án hệ thống tái tuần hoàn rác thải thông minh trong trường tiểu học do TS. Bùi Thị Thanh Hương chủ trì được xây dựng dựa trên việc phát triển lý thuyết STEM thành STEM+ với 6 chủ đề chính: (1) phân loại rác thải, (2) xử lý rác thải hữu cơ, (3) xử lý rác thải vô vơ, (4) xử lý rác thải có hại, (5) dọn rác – văn hoá ứng xử với tài nguyên rác, (6) công nghệ với rác thải. Những nội dung giáo dục STEM+ này được tích hợp với 3 cấp độ: (1) đưa tư tưởng STEM+ vào nội dung các bài học; (2) Các dự án STEM+; (3) Xây dựng chương trình STEM+ tổng thể tích hợp vào chương trình giáo dục tiểu học hiện nay. Dự án này sẽ được triển khai dưới sự hỗ trợ của Mobile App 3SR kết hợp với các nguồn học liệu trên Fanpage và Kênh Youtube của 3SR – một trong những dự án khởi nghiệp xuất sắc của EdTech Việt Nam 2021 do Bộ KHCN tổ chức.

Nhóm nghiên cứu mong muốn lan toả các sản phẩm nghiên cứu đã được bảo hộ và sử hữu trí tuệ để vận dụng vào thực hiện các trường học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và các trường phổ thông tại Việt Nam.

UED Media

07:10 10/10/2021

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ