Trong khuôn khổ nghiên cứu của dự án, Hội thảo “Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” được tổ chức tại Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN vào ngày 02/01/2019.
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế về: nghiên cứu tâm lý - giáo dục, thực hành tâm lý; lãnh đạo của các Trường phổ thông, các giáo viên THPT và các cơ quan báo chí.
Hội thảo là không gian để chia sẻ và kết nối với các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu tâm lý - giáo dục, những nhà thực hành và lãnh đạo của các Trường phổ thông, các giáo viên, tập trung làm rõ thực trạng bắt nạt trực tuyến trên thế giới và ở Việt Nam, các chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến với các bằng chứng khoa học chứng minh về hiệu quả. Phần thảo luận của Hội thảo tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến cho học sinh.
Trên thế giới có rất nhiều chương trình, chiến lược phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến và bằng chứng về tính hiệu quả của chúng như: chương trình thúc đẩy mức độ nhạy cảm chống lại bắt nạt trực tuyến (Tanrikulu,2015), chương trình trường học với môi trường trực tuyến thân thiện (Cross,2018), chương trình trực tuyến 2.0 (Garaigordobil,2015), khoa học phòng ngừa bắt nạt trực tuyến (Lee, 2013), chương trình chống bắt nạt KIVA (Williford, 2013)…
Tại Việt Nam, TS. Trần Văn Công cùng các cộng sự đã và đang xây dựng Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học (viết tắt ATMi) dành cho độ tuổi từ 11 đến 18.
ATMi (An Toàn Mạng internet) là kiểu chương trình được xây dựng dựa trên: (1) các hành động phổ quát (VD: chương trình giảng dạy, hướng dẫn cho học sinh, mục đích tập trung vào phòng ngừa bắt nạt trực tuyến); (2) các hành động được chỉ định (VD: được sử dụng khi trường hợp bắt nạt xuất hiện, hành động này nhằm mục tiêu cụ thể cho học sinh đã tham gia vào việc bắt nạt là thủ phạm hoặc nạn nhân chấm dứt bắt nạt).
Mục đích xây dựng chương trình ATMi nhằm giảm thiểu tỷ lệ bắt nạt trực tuyến, nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường, phụ huynh học sinh; Trang bị kỹ năng, chiến lược ứng phó khi bắt nạt trực tuyến xảy ra; Trang bị kỹ năng sử dụng internet an toàn, tự bảo vệ bản thân và người khác trên internet.
Thống kê của nhóm nghiên cứu về tỷ lệ bắt bạt trực tuyến trên thế giới và tại Việt Nam khẳng định tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng theo thời gian.
Sự phát triển của công nghệ thông tin cùng với sự ra đời của mạng 3G, 4G, và sắp tới là 5G, đường truyền internet không dây giúp con người có thể truy cập mạng ở bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu. Các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay dần trở nên phổ biến tạo điều kiện cho bắt nạt trực tuyến có thể lan rộng.
Cùng với những lợi ích của internet, không thể phủ nhận những tiêu cực mà internet mang đến với học sinh trong đó có tình trạng bắt nạt trực tuyến. Số lượng thanh thiếu niên tham gia vào bắt nạt trực tuyến ngày càng có xu hướng gia tăng. Học sinh bị bắt nạt phải chịu những tổn thương về cả thể chất và tinh thần: stress, lo âu, trầm cảm, điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Các em không dám ra ngoài chơi, không dám đến trường, không thể tập trung vào học hành. Không những vậy, kết quả nghiên cứu cũng như thực tế đã cho thấy các em có thể tự tử để thoát khỏi việc bị bắt nạt.
Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN với sứ mệnh trở thành cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu đã và đang nỗ lực đào tạo đội ngũ giảng viên, giáo viên cho các bậc học; cán bộ quản lý giáo dục; cán bộ giáo dục và cán bộ nghiên cứu về khoa học giáo dục trên cơ sở liên kết với các chuyên gia, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến những nỗ lực đề xuất giải pháp dựa trên bằng chứng khoa học của các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học tại trường ĐHGD. ATMi – chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến là một giải pháp như vậy. Chương trình được xây dựng nhằm thúc đẩy môi trường học đường và môi trường trực tuyên an toàn, thân thiện. Hiện tại, chương trình đang trong quá trình thử nghiệm và tiếp tục được hoàn thiện trước khi được đưa vào triển khai tại các trường học.
--------------------
Các tin liên quan:
chinhphu.vn: Báo động bạo lực học đường trên mạng xã hội
news.zing.vn: Học sinh bị bắt nạt trên mạng xã hội dễ căng thẳng, tự tử
vietnammoi.vn: Học sinh tự rạch tay mình vì bị bắt nạt trực tuyến
tienphong.vn: Bắt nạt trực tuyến: Gây stress, tự tử cho học sinh
laodong.vn: Bị bắt nạt trực tuyến: Học sinh đốt trường, cắt tay để giảm cân
UED Media