Quản lý hành vi lớp học – kỹ năng không thể thiếu của người giáo viên

Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra gồm cả những hành vi bạo lực nghiêm trọng với giáo viên và bạn học làm dư luận lo lắng, xã hội bất an về an ninh trường học. Để tìm hiểu vai trò của người giáo viên trong việc phòng ngừa và hạn chế những hành vi bạo lực thiếu chuẩn mực sư phạm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐHGD, ĐHQGHN về vấn đề này.

Theo đó, TS Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện năng lực quản lý hành vi lớp học cho người giáo viên.

Chúng tôi xin chia sẻ quan điểm của PGS.TS. Trần Thành Nam dưới đây:

PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng Khoa Các Khoa học Giáo dục - Trường ĐHGD - ĐHQGHN

Tôi nhớ 15 năm trước, khi lần đầu tiên lên lớp cho sinh viên, tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ các nội dung bài giảng cho cả kỳ học, chuẩn bị các nội dung đánh giá học sinh theo các quy định của nhà trường, đã phải đi dự giờ các thầy cô có kinh nghiệm… nhưng tất cả nội dung chuẩn bị có thể bị đảo lộn cháy thiếu hoặc cháy thừa giáo án vì tôi chưa có nhiều kỹ năng quản lý lớp học và chưa biết cách tạo ra một môi trường học tập tích cực, hiệu quả.

Phải thừa nhận là kỹ năng quản lý lớp học là một nỗi sợ của nhiều giáo viên mới ra trường, đặc biệt trong thời gian tập sự và trong năm đầu tiên được đứng giảng độc lập.

Đứng trước một hành vi ứng xử sai của học trò, giáo viên sẽ dễ dàng mất đi sự lạc quan do nỗi thất vọng, sự sợ hãi về trách nhiệm hay đơn giản cảm thấy bất lực kém cỏi khi không biết nên phản ứng thế nào. Đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc giảm hứng thú, tình yêu với việc giảng dạy, vắt kiệt năng lượng của người giáo viên trẻ khi mới vào nghề. 

Trên thực tế, nội dung các chương trình đào tạo giáo sinh thường không đề cập đến kỹ năng quản lý hành vi lớp học một cách đầy đủ và hiệu quả. Kỹ năng quản lý hành vi lớp học không được cấu trúc thành môn mà được tích hợp đâu đó trong chương trình. Và kể cả khi được đề cập thì chúng thường mang tính lý thuyết ít phù hợp với tình huống trong đời sống thực. Chúng cũng chỉ tập trung vào việc thiết lập các hệ thống kỷ luật chứ không giúp kiến tạo ra môi trường học tập tích cực để cá nhân khám phá và phát huy các tiềm năng của mình.

Cộng đồng và nhiều giáo viên vẫn còn có những niềm tin sai lầm về quản lý lớp học như (i) việc quản lý hành vi lớp học đồng nghĩa với việc thiết lập một hệ thống kỷ luật lớp học chặt chẽ và nghiêm khắc để xử lý các hành vi sai; (ii) một lớp học được quản lý hành vi tốt là một lớp học hoàn toàn trật tự; (iii) muốn quản lý hành vi lớp học phải được thực hiện với các phần thưởng hữu hình; (iv) người học luôn lắng nghe giảng và làm theo hướng dẫn là chỉ báo của việc quản lý lớp học hiệu quả.

Trên thực tế, mục tiêu của việc quản lý hành vi lớp học là phát triển, kiến tạo một môi trường tích cực tạo thuận lợi cho việc học tập tích cực cả về phương diện học thuật và các phương diện xã hội cảm xúc. Một lớp học tích cực và hiệu quả theo quan điểm phát triển năng lực hiện nay là một lớp học sẽ có nhiều tiếng ồn do phải hoạt động, trao đổi, làm việc nhóm, đặt câu hỏi hay tiến hành các thực nghiệm. Dùng phần thưởng vật chất hữu hình chỉ phù hợp với cấp mầm non và tiểu học và chỉ tạo được động cơ học tập bên ngoài cho các em. Một giáo viên quản lý lớp học hiệu quả thường kết hợp sử dụng các phần thưởng hoạt động (cử làm nhóm trưởng dẫn dắt một hoạt động), các phần thưởng tinh thần (như sự thừa nhận, lời khen của giáo viên) hay các phần thưởng xã hội (sự thừa nhận, ngưỡng mộ của nhóm, các thành viên trong lớp). Cuối cùng, nhiều giáo viên tin rằng nếu mình có một bài giảng thực sự hay, thực sự lôi kéo được học sinh lắng nghe chăm chú và làm theo chỉ dẫn thì các em sẽ không còn thời gian mà ứng xử sai. Một bài giảng truyền cảm hứng là điều không thể phủ nhận nhưng nó chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố quan trọng của quản lý hành vi lớp học. Có nhiều em có những khó khăn thực sự, có tổn thương sức khỏe tâm thần hoặc có những ấm ức hiểu lầm có thể sẵng sàng hành xử phá vỡ những bài giảng tâm huyết, truyền cảm hứng nhất.

Chính vì vậy, kỹ năng quản lý hành vi lớp học là một kỹ năng không thể thiếu của người giáo viên trong bối cảnh hiện nay. Kỹ năng quản lý hành vi lớp học là gì? Đó là một tiến trình gồm 5 thành tố cơ bản từ việc thiết lập không gian vật lý lớp học, thống nhất các nguyên tắc mà mọi người sẽ cùng tôn trọng thực hiện trong lớp, phát triển chất lượng các mối quan hệ giữa người dạy – người học – phụ huynh; tạo hứng thú và lôi kéo người học lắng nghe chỉ dẫn thực hiện nhiệm vụ và cuối cùng mới là áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực. Người giáo viên phải được rèn luyện những kỹ năng thành phần nhỏ trong các thành tố mới được đề cập.

Thiết lập không gian vật lý trong lớp học là cách thức tổ chức bàn ghế của học sinh, giáo viên và các vật dụng học tập một cách hợp lý tối ưu để giúp giáo viên tương tác hiệu quả nhất với tất cả học sinh, tạo ra không gian đủ rộng không cản trở các hoạt động nhóm.

Việc thống nhất và đưa ra các nội quy trong lớp học/ lớp môn học là cách thức để tối ưu hoạt động dạy – học. Nó chính là một tuyên bố về những kỳ vọng hành vi trong lớp giữa cô và trò, phòng ngừa những hành động ứng xử sai trên lớp. Tuy nhiên một bản nôi quy lớp học không nên dài quá 6 điều, nêu những kỳ vọng hành vi (những điều cần làm thay vì không nên làm), phải phù hợp với nội quy chung của Nhà trường, phải được cả lớp thống nhất và dán ở chỗ dễ nhìn nhất, học sinh và giáo viên có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, sau khi thống nhất giáo viên phải nhắc nhở và minh họa bằng những tình huống thực tế để cả lớp hiểu và tôn trọng những quy tắc.

Xây dựng mối quan hệ chất lượng giữa người dạy – người học và phụ huynh cũng là một thành tố trong chiến lược quản lý hành vi lớp học. Nó giúp phòng ngừa những hành vi ứng xử sai của học sinh. Thông thường, nếu cảm thấy khó chịu, lo lắng, không được quan tâm chú ý thì chúng ta thường hay có những hành vi, thái độ sai. Việc xây dựng mối quan hệ tốt với học sinh sẽ làm cho học sinh cảm thấy an toàn hơn và theo đó sẽ ít có hành vi ứng xử sai hơn. Những giáo viên thiết lập được mối quan hệ tốt với học sinh, được học sinh yêu quý thường có những đặc điểm như có óc hài hước, đưa ra những kỳ vọng hợp lý, sẵn sàng hỗ trợ thêm cho học sinh khi cần, hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự học cách giải quyết vấn đề hơn là giải quyết hộ cho học sinh, dành những khoảng thời gian nhất định để nghe học sinh nói, nhậy cảm với những mối quan ngại của học sinh, chú ý và tỏ ra hứng thú ở những khoảng khắc học sinh thể hiện tốt….

Ngoài việc thiết lập quan hệ tốt với học sinh, thiết lập quan hệ tốt với phụ huynh cũng sẽ tăng thêm nguồn lực hỗ trợ từ gia đình cho các vấn đề hành vi cảm xúc hoặc khó khăn học tập trên lớp của người học. Những giáo viên duy trì tốt quan hệ với phụ huynh học sinh thường có khả năng nhận ra và tôn trọng những khác biệt về văn hóa cũng như vị thế kinh tế xã hội của phụ huynh để có ứng xử phù hợp; liên lạc định kỳ với gia đình thông qua email, tin nhắn để thông báo về tình hình học tập và hành vi ứng xử; cởi mở với những góp ý từ phụ huynh và lôi kéo phụ huynh tham gia các hoạt động chung của lớp; cập nhật tình hình lớp học trên mạng xã hội…

Việc tạo hứng thú và lôi kéo người học lắng nghe chỉ dẫn thực hiện nhiệm vụ là một yếu tố quan trọng để quản lý hành vi sai. Một số hoạt động giáo viên cần chú ý trước, trong và sau bài giảng để tạo hứng thú cho bài giảng ví dụ như trước khi bắt đầu bài giảng (kê lại bàn ghế theo mục đích lớp học; chuẩn bị đồ dùng học liệu; lên kế hoạch phân nhóm học sinh trong các nhiệm vụ); hay trong khi giảng (mở rộng, chỉ dẫn đến các nội dung liên quan, đưa ra hướng dẫn rõ ràng, hỗ trợ kỹ năng làm việc nhóm; lập kế hoạch chuyển tiếp từ hoạt động này sang hoạt động khác, theo dõi tiến độ và đưa ra chỉ dẫn phản hồi); sau bài giảng (đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của học sinh và thu nhận phản hồi để điều chỉnh).

Cấu phần cuối cùng trong quản lý hành vi lớp học là các hình thức kỷ luật tích cực. Tuy nhiên, bất kỳ một hình thức kỷ luật nào được áp dụng cũng phải dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: có liên quan (relate) tôn trọng (respect) và hợp lý (reasonable). Hành vi sai và hình thức kỷ luật phải có liên quan với nhau Ví dụ: Nếu học sinh không làm bài tập thì sẽ không được ra chơi, dành thời gian làm bù bài tập chứ không phải phạt dọn nhà vệ sinh 1 tuần. Tôn trọng ở đây là kỷ luật không được làm bẽ mặt, hạ nhục nhân phẩm hay lòng tự trọng của người học bằng hành vi, thái độ hoặc lời nói. Hợp lý ở đây là hình thức kỷ luật phải vừa tầm, không quá khắc nghiệt. Nếu giáo viên không đảm bảo được 3 nguyên tắc này thì học sinh sẽ có thể có 3 dạng phản ứng tiêu cực: Oán giận (Cô không công bằng, không thể tin cô được); Trả đũa (Cô phạt tôi vì cô có quyền, nhưng lần sau tôi sẽ…) hoặc Né tránh (Lần sau mình sẽ cẩn thận để không bị tóm).

Hiệu quả của kỹ năng quản lý hành vi lớp học trong việc phòng ngừa và giảm thiểu các vấn đề hành vi ứng xử sai của học sinh trong lớp đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới khẳng định. Tại Việt Nam, đã có nghiên cứu của các giảng viên Trường Đại học Giáo dục về chương trình Reaching Educators, Children, and Parents (viết tắt là RECAP) - một chương trình can thiệp dựa vào trường học được thiết kế để đào tạo giáo viên kỹ năng làm việc hiệu quả hơn với học sinh có các vấn đề hành vi cảm xúc ở mức độ từ nhẹ đến trung bình cho thấy việc bồi dưỡng kỹ năng quản lý hành vi lớp học cho giáo viên là khả thi, giáo viên sau khi được tập huấn đã cải thiện rất lớn về chiến lược quản lý hành vi lớp học như thường xuyên khuyến khích ghi nhận sự cố gắng của người học, đưa ra các hình thức kỷ luật tuân thủ 3 nguyên tắc liên quan, tôn trọng, hợp lý. Học sinh trong các lớp có giáo viên sử dụng các chiến lược quản lý hành vi lớp học có xu hướng giảm nhẹ các vấn đề hành vi cảm xúc và phát triển các kỹ năng đồng cảm với các bạn học.

Tại trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà nội, năng lực quản lý hành vi lớp học là một năng lực quan trọng được rèn luyện cho giáo sinh trong các học phần Thực hành Sư phạm, Tổ chức và quản lý trường lớp ở bậc đại học. Trong chương trình ThS Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, nó là một thành tố chính trong học phần Can thiệp học đường. Trong chương trình Thạc sỹ Tham vấn học đường của Trường Đại học Giáo dục, Quản lý hành vi lớp học là một học phần chuyên sâu được giảng dạy cho các học viên.

Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN phụ trách chuyên môn và tuyển sinh đào tạo các chương trình Thạc sỹ Tham vấn học đường theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng từ năm 2018, chương trình Thạc sỹ và Tiến sỹ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên (lần lượt từ năm 2009 và 2016). Tất cả các chương trình đều được thiết kế trên cơ sở so chuẩn triết lý đào tạo, nội dung chương trình đào tạo và chuẩn năng lực đầu ra nghề nghiệp theo tiêu chuẩn của Hiệp Hội các Nhà tâm lý học và Hiệp hội các nhà tâm lý học đường của Hoa Kỳ. Chương trình có sự tham gia giảng dạy trực tiếp của các chuyên gia cao cấp đến từ Hoa kỳ bằng ngôn ngữ Anh – Việt.
08:06 14/06/2018

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ