Thực trạng đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên vùng Tây Bắc

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình triển khai nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về "Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc", mã số KHCN-TB.21X/13-18.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên đến từ các trường Đại học đóng trên địa bàn Tây Bắc; Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên; các trường THPT tại thành phố Điện Biên; giảng viên, nghiên cứu sinh của trường ĐH Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mục đích của Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý về thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vùng Tây Bắc; những yếu tố văn hóa, phong tục tập quán địa phương có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng Tây Bắc.

PGS.TS Lê Kim Long – Chủ nhiệm đề trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Tây Bắc Việt Nam là vùng được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Hiện nay, Tây Bắc vẫn được coi là "lõi nghèo" của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao nhất trong cả nước đặc biệt là trình độ dân trí vẫn còn thấp, giáo dục kém phát triển.

Vấn đề giáo dục Tây Bắc, đặc biệt là giáo dục phổ thông đang đứng trước những thách thức lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào đảm bảo nâng cao trí lực cho đồng bào các dân tộc trong vùng tiệm cận mức trung bình của cả nước, giúp giáo dục Tây Bắc tiến nhanh và tiến kịp tốc độ phát triển của giáo dục đất nước.

Do vậy, việc nghiên cứu thực trang đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vùng Tây Bắc  nhằm đề xuất chính sách và giải pháp đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý cho các cơ sở giáo dục nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc là vô cùng cấp thiết, được coi là một khâu trọng yếu trong tiến trình xây dựng Tây Bắc phát triển bền vững.


TS. Tăng Thị Thùy , trường Đại học Giáo dục

Ban tổ chức Hội thảo nhận được 13 báo cáo khoa học trong đó có 10 báo cáo liên quan trực tiếp đến nội dung của Hội thảo. Hội thảo tập trung thảo luận 2 nội dung chính: Chủ đề 1: Bàn về thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vùng Tây Bắc; Chủ đề 2: Bàn về các yếu tố tác động của văn hóa vùng miền đến nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý vùng Tây Bắc.

Tại Hội thảo, TS. Tăng Thị Thùy trình bày báo cáo về các yếu tố tác động của văn hóa vùng miền đến năng lực nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý vùng Tây Bắc; TS. Phạm Hồng Phong, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên trao đổi về vấn đề thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tỉnh Điện Biên; ThS. Phạm Lệ Thanh, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên đã báo cáo về vấn đề cơ chế chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vùng Tây Bắc; các tác động yếu tố vùng miền đến giáo viên và học sinh vùng Tây Bắc. ThS. Lê Tiến Dũng, phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên trình bày những khó khăn về điều kiện tự nhiên, vùng miền, điều kiện kinh tế và vấn đề giao thoa ngôn ngữ ảnh hưởng đến năng lực nghề nghiệp của cán bộ quản lý và giáo viên vùng Tây Bắc.

TS. Phạm Hồng Phong, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

  

 TS. Phạm Hồng Phong, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và ThS. Lê Tiến Dũng, phó chủ tịch huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

Ý kiến của côTrần Thị Thanh Thủy, giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên

Các báo cáo tham luận và ý kiến góp ý tại hội thảo là những tư liệu giúp cho nhóm nghiên cứu đề tài có cơ sở thực tiễn đề để xuất các giải pháp nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vùng Tây Bắc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc.


Thu Hiền

12:06 10/06/2017

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ