Quản trị trường học - ngành học không thể thiếu trong thời đại giáo dục tri thức

Tại các nước phát triển, Quản trị trường học – School Administration là thuật ngữ khá phổ biến trong Giáo dục, đặc biệt là trong Giáo dục thời đại tri thức. Từ lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm triển khai trong nước và trên thế giới, năm 2018, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai tuyển sinh đào tạo CỬ NHÂN CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ TRƯỜNG HỌC. Đây là một hướng đi mới tại Việt Nam nhưng cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển chung của Giáo dục Thế giới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ 9 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp về đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục: “... Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo”. “Phát triển quản trị nhà trường - con đường lên phía trước”, là một cách tiếp cận mới trong phát triển quản lý, trong đó tập trung sự chú ý vào việc hỗ trợ bên trong và hỗ trợ từ những lực lượng liên đới gần với nhà trường. Quan điểm này nhìn nhận sự phát triển quản lý như một quá trình quyết định trong việc giúp đỡ các tổ chức đạt được mục đích của họ và như là “một cách tiếp cận hỗ trợ, thúc đẩy, và liên hệ một cách hài hoà với sự phát triển của tổ chức”. Một số cơ sở giáo dục hoạt động có hiệu quả và thành công do Hiệu trưởng và các cán bộ quản lý đã học được cách quản trị một cách có hệ thống.

Trong cuốn “Giáo dục trong thời đại tri thức” - một cuốn sách chuyên khảo có giá trị của Nhà xuất bản lao động và Tập đoàn EDX xuất bản năm 2016 do GS. John Vũ viết có đoạn: “Trong hệ thống giáo dục mới (tức hệ thống giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0), trường học là đối tác với ngành công nghiệp để tạo ra giáo trình đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp… Nếu trường học có thể cung cấp kĩ năng và tri thức đúng để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp thì việc cộng tác sẽ có lợi vì trường học là nơi kinh doanh về đào tạo còn công nghiệp là kinh doanh thuê nhân lực có chất lượng. Bên cạnh đó, nếu trường học có thể làm cho sinh viên thành người học cả đời thì công nghệp sẽ không phải đầu tư vào việc đào tạo lại công nhân và giáo dục có thể là việc đào tạo và học tập cho mọi công nhân. Do đó, sự cộng tác đem sinh viên, giáo viên, cha mẹ và công nghiệp lại cùng nhau là nền tảng của xã hội tri thức(Sách GDTTĐTri thức – tr19). Và để điều khiển được sự cộng tác này một cách hài hòa và mang lại hiệu quả cao nhất đòi hỏi người thực hiện cần có kiến thức chuyên sâu về Quản lý giáo dục nói chung và Quản trị Nhà trường nói riêng.

Đào tạo về quản trị hiện đang được thực hiện nhiều tại các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới về các lĩnh vực như kinh doanh, văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học,…. Quản trị trường học là một trong những chương trình đào tạo quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Đại học Bắc Carolina Charlotte (Hoa Kì) công bố mục tiêu “Chương trình được thiết kế để chuẩn bị cho học viên năng lực quản lý và điều hành, đặc biệt là cho các vị trí như hiệu trưởng và hiệu phó”. Đại học Bang Mississipi- “Chương trình chào đón các học viên mong muốn có khả năng tạo cảm hứng, sáng tạo, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa cho trường học thế kỷ 21”. Không chỉ có vậy, Trường Giáo dục - Đại học Campbell còn nêu rõ chương trình đào tạo dành cho “những người coi trong sự phát triển chuyên nghiệp trong mỗi tiêu chuẩn cho cán bộ trường học”.

Hiện nay, ở nước ta mới chỉ triển khai chương trình đào tạo Quản lý giáo dục. Đây là chương trình được thiết kế chung cho tất cả cán bộ quản lí đang làm việc trong ngành giáo dục và được triển khai tại khoảng 15 cơ sở đào tạo, trong đó có Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Tuy nhiên, chương trình chưa thể đi sâu hết các hoạt động của một cơ sở giáo dục, cũng như chưa thể hiện rõ yếu tố “quản trị” mà cán bộ quản lý và chuyên viên cần triển khai cho phù hợp với xu thế phát triển chung.

Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cán bộ lãnh đạo và quản lí nhà trường cần được trang bị những kiến thức về quản trị nhà trường, hướng đến sự hội nhập trong nước và quốc tế. Trường ĐHGD- ĐHQGHN đã thực hiện khảo sát nhu cầu với các đối tượng là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường từ bậc học mầm non trở lên; trưởng khoa, phó trưởng khoa, tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường phổ thông; cán bộ quản lý công tác Đoàn, Đảng, Công đoàn trong các cơ sở giáo dục đào tạo; lãnh đạo, cán bộ quản lý và chuyên viên làm công tác quản lý giáo dục của phòng, ban chức năng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết cán bộ lãnh đạo quản lý được phỏng vấn đều mong muốn được học bổ sung các kiến thức về quản trị, về giáo dục học và nâng cao năng lực quản trị trường học.

Từ lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm triển khai trong nước và trên thế giới, năm 2018, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN triển khai tuyển sinh đào tạo CỬ NHÂN CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ TRƯỜNG HỌC. Đây là một điểm nhấn mới trong lĩnh vực Khoa học Giáo dục của Trường Đại học Giáo dục nói riêng và của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Chuyên ngành Quản trị Trường học là một hướng đi mới tại Việt Nam nhưng cần thiết và đáp ứng yêu cầu với xu thế phát triển chung của Thế giới.

Khoa QLGD

10:07 11/07/2018

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ