Nâng cao hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần ở Trường học và Cộng đồng: hoạt động nhằm cụ thể hóa sứ mạng giáo dục sức khỏe tâm thần (SKTT) cho cộng đồng và trong các nhà trường

Ngày 25/10 tại Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Quốc tế Lần thứ 5 về Sức khỏe Tâm thần trẻ em Việt Nam: Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần ở Trường học và Cộng đồng (5th International Conference on Child Mental Health in Vietnam: Mental Health Literacy in the Schools and the Community).

Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN, Khoa Y Dược – ĐHQGHN và Mạng lưới Hiểu biết về SKTT Việt Nam là đơn vị đồng tổ chức chương trình này dưới sự tài trợ của Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted), Quỹ học bổng dành cho cựu sinh viên chương trình VEF thuộc ĐSQ Mỹ tại Việt nam; và Trường Quốc tế Anh.

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trường Đại học Giáo dục, và là một dấu mốc kỷ niệm 10 năm triển khai đào tạo chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên. Đồng thời, hoạt động nhằm cụ thể hóa sứ mạng giáo dục sức khỏe tâm thần (SKTT) cho cộng đồng đặc biệt là sức khỏe tâm thần trong các nhà trường.

Hội thảo thu thút sự tham gia của hàng trăm các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ, Na Uy, Canada, Campuchia cùng các nhà khoa học đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Huế và các cơ sở giáo dục và đào tạo; Sự hiện diện của Vụ Giáo dục phổ thông – Bộ GD&ĐT, Lãnh đạo Đại học Quốc Gia Hà Nội, cũng như các vị khách quý và đại diện các cơ quan truyền thông; Lãnh đạo và giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Khoa Y Dược, Mạng lưới Hiểu biết về SKTT Việt Nam và các đơn vị tài trợ.

GS.TS  Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các đơn vị tài trợ, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng Trường ĐH Giáo dục trong việc nâng cao nhận thức về SKTT trong trường học. Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục hy vọng hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học hợp tác trao đổi các vấn đề nóng về giáo dục và sức khỏe tâm thần, chia sẻ những nghiên cứu mới về SKTT học đường để từ đó có giải pháp ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn trường học một cách hiệu quả hướng tới xây dựng các trường học hạnh phúc.

Từ năm 2009, Trường ĐH Giáo dục đã triển khai các dự án hợp tác với Hoa Kỳ để xây dựng chương trình đào tạo sau đại học về Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên. Năm 2018, Nhà trường tiếp tục xây dựng và tuyển sinh chương trình đào tạo sau đại học ngành Tham vấn học đường và năm 2019 tuyển sinh chương trình cử nhân Tham vấn học đường khóa đầu tiên.

Trong những năm qua, nhà trường đã đầu tư các đề tài NCKH cho giảng viên và sinh viên tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ, ứng dụng phần mềm đánh giá và tư vấn ban đầu các vấn đề về SKTT, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thể hiện trách nhiệm xã hội qua việc trực tiếp xây dựng, tư vấn phản biện các văn bản chính sách của ngành (như chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo duc phổ thông, chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, Quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục…)

PGS.TS Đặng Hoàng Minh là trưởng nhóm nghiên cứu Tâm lý học lâm sàng - nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN với nhiều dự án và nghiên cứu quốc tế về chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần

Những con số thống kê mà PGS.TS Đặng Hoàng Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin Hướng nghiệp và Nghiên cứu ứng dụng tâm lý – Trường ĐH Giáo dục cung cấp tại hội thảo cho thấy nhiều vấn đề của trẻ vị thành niên đều bắt nguồn từ những khó khăn về SKTT: 90% những người tự tử có vấn đề về SKTT, 50% các vấn đề về SKTT bắt đầu từ lứa tuổi vị thành niên, 50% học sinh bỏ học nguyên nhân do các vấn đề về SKTT, 70% thanh niên ở các trường giáo dưỡng hoặc nhà tù có vấn đề về SKTT. Tuy nhiên, việc đi tìm kiếm và chăm sóc sức khỏe tâm thần lại diễn ra quá muộn, thường là sau 10 năm.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ trong chữa trị do việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về SKTT ở các cấp độ: cá nhân, cộng đồng, chính phủ; định kiến của mọi người dán nhãn “điên, yếu đuối, kém cỏi, nhân cách yếu…” cho những người gặp vấn đề về SKTT; Mức độ sẵn có của dịch vụ và mức độ tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ còn quá yếu hoặc không có.

Hiện nay, các chương trình nhằm nâng cao hiểu biết về SKTT đã được triển khai thông qua cộng đồng, chương trình dựa và trường học hoặc trường đại học, ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là các chương trình trong trường học.

Ngoài công tác nghiên cứu khoa học, Giáo sư Stan Kutcher hiện là Thượng nghị sĩ Quốc hội Canada

Giáo sư Stan Kutcher – Đại học Dalhousie Canada – đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới, đưa ra khẳng định: “lộ trình chăm sóc SKTT phải gắn liền với giáo dục và trường học”. Ông cho rằng, sức khỏe tâm thần và giáo dục là 2 cấu trúc không thể tách rời mà đứa trẻ khi lớn lên phải đối mặt. Khi kết hợp 2 cấu trúc này lại điều tốt nhất là bắt đầu từ trường học và trường học là nơi lý tưởng để nâng cao SKTT cho trẻ em, cho học sinh. Trường học là nền tảng vững chắc để có các chương trình can thiệp thích hợp và kịp thời.

Theo cách tiếp cận nhằm nâng cao hiểu biết về SKTT của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Stan Kutcher đứng đầu được bắt đầu từ mối quan hệ trong hệ thống giáo dục: giáo viên – trường học – học sinh. Giáo viên được cung cấp học liệu, cuốn hướng dẫn online và được đào tạo thành những nhà giáo dục để có thể can thiệp, giúp đỡ học sinh gặp rắc rối về SKTT. Khi năng lực của giáo viên được nâng cao thì khả năng can thiệp của các trị liệu cũng bền vững theo thời gian. Khi các chương trình tài trợ kết thúc thì hiệu quả của các chương trình can thiệp vẫn tiếp tục gia tăng.

Một câu hỏi và gợi ý thú vị được giáo sư Stan Kutcher đưa ra tại Hội thảo: tại sao chúng ta không bắt đầu từ việc dạy cho sinh viên sư phạm về SKTT để sau này khi trở thành giáo viên họ có thể sẽ dạy cho học sinh viên mình nhận thức để nâng cao SKTT cho bản thân?

Hội thảo Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần ở Trường học và Cộng đồng diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/10. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham gia đóng góp ý kiến và bàn thảo về nhiều nội dung liên quan tới các vấn đề như: Nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần; Đánh giá thực trạng hiểu biết về sức khỏe tâm thần và các rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên Việt Nam; Xây dựng chương trình can thiệp nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong trường học ở Việt Nam và kinh nghiệm thế giới; Thích ứng các chương trình nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong trường học; Ứng dụng công nghệ trong đánh giá và can thiệp về rối loạn tâm thần…

Số liệu hai cuộc điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (SAVY) cho thấy tỉ lệ vị thành niên có suy nghĩ tự tử trong 12 tháng có xu hướng tăng từ 5% (SAVY-I) lên 7% (SAVY-II). Báo cáo của Viện sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, năm 2017 cho biết số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến gần 40.000 người. Trước thực trạng này, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định sức khỏe tâm thần là một gánh nặng toàn cầu và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khiếm khuyết về mặt cá nhân như thất bại học đường, suy giảm chức năng cuộc sống và nghề nghiệp. Tại Việt Nam trong thời gian qua, vấn đề bạo lực học đường, nghiện mạng xã hội, sùng bái thần tượng giang hồ trên mạng hay trầm cảm và tự tử ở trường học là vấn đề nóng đang gây nhức nhối dư luận. Các nghiên cứu ước tính tỉ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi đến trường ở Việt Nam có tổn thương sức khỏe tâm thần đến mức cần can thiệp hỗ trợ chiếm khoảng 12%, tương đương với khoảng 3 triệu người.

Thực trạng Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần ở Trường học và Cộng đồng cho thấy:

Tại các nước phát triển 39% khách thể (khảo sát hơn 1000 người từ 18-74 tuổi) nhận biết được trầm cảm, 27% nhận biết được tâm thần phân liệt. Tỷ lệ năm 2011 là 73.7% và 38.1%.

Nhật: 22,6% khách thể (2000 người từ 20-69) nhận biết được trầm cảm

Canada: 68,7% khách thể từ 18-24 tuổi va 64,5% khách thể từ 25-64 tuổi nhận biết đúng trầm cảm.

Tại các nước đang phát triển Châu Á và Châu Phi hiểu biết về SKTT thấp.

Ở Việt nam, nhóm giáo viên có hiểu biết thấp và định kiến cao về SKTT; Khảo sát trên nhóm sinh viên, 32% có thể nhận biết được trầm cảm, trong cộng đồng việc nhận biết được các triệu chứng của rối loạn trầm cảm, dán nhãn triệu chứng rối loạn trầm cảm là nói vô nghĩa, nói cười một mình và hay đi lang thang.

Nhận thức về sức khỏe tâm thần trong trường học và cộng đồng còn nhiều hạn chế. Vẫn còn nhiều quan điểm định kiến về sức khỏe tâm thần gây cản trở việc đánh giá phát hiện sớm, cản trở những người có tổn thương tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.

 

-----------------------------

Các tin liên quan:

VOV: 3 triệu thanh thiếu niên Việt Nam cần chăm sóc sức khỏe tâm thần

Dân trí: Tham vấn tâm lý học đường: “Phong trào” và thiếu chuyên nghiệp

Dân trí: Tự tử ở trẻ vị thành niên đang tăng cao

Lao động: 50% học sinh bỏ học có vấn đề về sức khỏe tâm thần

Tiền phong: Vì sao gia tăng tự tử vị thành niên?

Zing: Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ vị thành niên tự tử là áp lực học tập

UED Media

02:10 28/10/2019

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ