Seminar "Đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo trực tuyến"

Ngày 17/04/2020, Khoa Quản trị Chất lượng đã tổ chức thành công Seminar "Đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo trực tuyến" với sự tham gia của hơn 80 đại biểu tại phòng họp Zoom và trên 2000 lượt theo dõi Livestream qua kênh Youtube, Fanpage của khoa.

Mô hình học tập kết hợp (Blended learning) đã được ứng dụng ở hầu hết các học phần trong chương trình đào tạo tại Trường Đại học Giáo dục. Chính vì vậy, nhằm giúp người học không gián đoạn kiến thức, đảm bảo tiến độ học tập trong bối cảnh dịch bệnh covid 19, Nhà trường đã chuyển sang hình thức học tập trực tuyến (online learning) ở tất cả các học phần. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã có nhiều hoạt động tổng lực nhằm tìm kiểm các giải pháp đảm bảo chất lượng dạy học online như tập huấn cho đội ngũ, chia sẻ, giải đáp những thắc mắc, khó khăn của sinh viên, toạ đàm phương pháp học tập online cho sinh viên.

Tuy nhiên, bên cạnh khía cạnh tích cực, một trong những vấn đề được đặt ra hiện nay là làm thế nào để đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến? Để trả lời cho những băn khoăn đó, Khoa Quản trị chất lượng trực thuộc Trường Đại học Giáo dục đã chủ trì buổi Seminar với chủ đề “Đảm bảo chất lượng giảng dạy trực tuyến” nhằm chia sẻ kiến thức lý luận và thực tiễn về các mô hình đảm bảo chất lượng nói chung, kinh nghiệm quản lý chất lượng các khóa học trực tuyến nói riêng.

Mở đầu, báo cáo đề dẫn của PGS. TS Nguyễn Thúy Nga tập trung làm rõ định hướng sử dụng đào tạo kết hợp và trực tuyến, tầm quan trọng của việc sử dụng lớp học đảo ngược trong đào tạo và phát huy tính tương tác trong dạy và học. Chia sẻ về các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến, PGS. TS Nguyễn Thúy Nga nhấn mạnh đến tiêu chí 3 cấp độ của nhận thức trong triển khai đào tạo gồm pedagogy - andragogy – heutagogy. Trong môi trường pedagogy người dạy quyết định người học sẽ học gì và học như thế nào, người học phụ thuộc vào sự hướng dẫn, đánh giá và tiếp nhận kiến thức từ người dạy. Với môi trường andragogy người dạy chỉ hướng dẫn và hỗ trợ còn người học sẽ tự tìm các giải pháp cho những vấn đề mà người dạy đưa ra. Heutagogy là một cách tiếp cận toàn diện hơn, dạy cho người học cách học và đạt được năng lực và kỹ năng họ cần cho lĩnh vực đã chọn, có thể nói heutagogy là tự định hướng và biến đổi. Xem thông tin chi tiết tại đây.

TS Nguyễn Thúy Nga trình bày về tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến

Để xây dựng một chương trình giảng dạy trực tuyến đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, các mô hình đảm bảo chất lượng đã được TS Phạm Thị Tuyết Nhung phân tích chuyên sâu thông qua bộ tiêu chí Quality Matters của Mỹ. Đồng thời, TS Nhung cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng chương trình giảng dạy trực tuyến đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng ở các khía cạnh về học liệu, phương pháp giảng dạy tới cách quản lý lớp học. Xem thông tin chi tiết tại đây.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung trình bày về các mô hình đảm bảo chất lượng

Tiếp nối, PGS. TS Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục trình bày sâu hơn về kinh nghiệm phát triển học liệu số trong dạy học trực tuyến tại Khoa Sư phạm. Diễn giả đi từ các vấn đề liên quan tới tài liệu số trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học của giảng viên trong trường đại học định hướng nghiên cứu tới học liệu số trong đào tạo tín chỉ. Sau đó diễn giả giới thiệu kinh nghiệm phát triển học liệu số trong mô hình dạy học kết hợp (blended learning) và lớp học đảo ngược (flipped classroom).  Từ thực tiễn triển khai, diễn giả khái quát thành những vấn đề lý luận liên quan tới các cách tiếp cận khác nhau về học liệu số và một số vấn đề nghiên cứu đặt ra theo khung tham chiếu Didactic. Xem thông tin chi tiết tại đây.

PGS. TS Nguyễn Chí Thành trình bày về kinh nghiệm phát triển học liệu số

Ở báo cáo tiếp theo, TS. Trần Thị Thu Hương – Khoa Quản trị chất lượng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các bước và phương thức triển khai giảng dạy trực tuyến và vai trò của giáo viên trong suốt quá trình giảng dạy nhằm hướng tới đảm bảo mục tiêu đầu ra của khóa học. Những kinh nghiệm trong việc đảm bảo chất lượng theo mục tiêu đầu ra được TS Hương chia sẻ thể hiện ở việc (1) giảng viên cần cung cấp đầy đủ thông tin, học liệu cho người học ngay từ đầu, (2) trao quyền và trách nhiệm cho sinh viên, (3) biên soạn nội dung, hoạt động học tập phù hợp với mục tiêu (4) giám sát, đánh giá, cập nhật và cải tiến liên tục và (5) Nhận thức và giải quyết tối đa các vấn đề của lớp học. Diễn giả cũng đưa ra các kinh nghiệm kết hợp các hình thức kiểm tra đánh giá lồng ghép trong các hoạt động học tập nhằm đạt mục tiêu đầu ra của từng bài học cũng như cả học phần. Xem thông tin chi tiết tại đây.

TS. Trần Thị Thu Hương trình bày về phương thức triển khai giảng dạy trực tuyến

Những kinh nghiệm hữu ích trong việc lựa chọn các công cụ để giúp giảng viên thực hiện các nhiệm vụ cần thiết trong lớp học trực tuyến như công cụ điểm danh, lưu trữ tài nguyên, tăng tương tác với người học, ghi nhận phản hồi của người học, v.v.v. cũng được TS. Bùi Thị Thanh Hương – Khoa Công nghệ giáo dục chia sẻ và thảo luận. Xem thông tin chi tiết tại đây.

TS. Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ về nhiệm vụ trong lớp học trực tuyến

Cuối buổi seminar, các đại biểu tham dự đã lắng nghe ý kiến chia sẻ từ các vị lãnh đạo cũng như các chuyên gia đầu ngành. PGS. TS Lê Đức Ngọc cho rằng đây là một buổi chia sẻ nhiều thông tin hữu ích giúp trong bối cảnh dạy học trực tuyến hiện nay và trường ĐH Giáo dục đã có sự chuẩn bị rất tốt để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của giáo dục trong thời đại 4.0. Thầy Mai Văn Tỉnh, nguyên chuyên gia cao cấp của Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT bày tỏ sự ngạc nhiên về sự năng động, sáng tạo, tâm huyết của các giảng viên của nhà trường thể hiện trong các báo cáo và thảo luận tại Seminar.

GS. TS Nguyễn Quý Thanh – hiệu trưởng nhà trường chúc mừng sự thành công của seminar. Đặc biệt, thông qua buổi hội thảo, thầy cũng nhấn mạnh đến những thành quả mà trường đạt được trong thời gian qua và chia sẻ các chiến lược, mục tiêu hoạt động nhằm đạt kết quả tốt hơn nữa trong quá trình dạy và học tập trực tuyến thời gian tới. Theo thầy, cái gốc của đào tạo trực tuyến và định hướng lâu dài của nhà trường sẽ là Blended learning có sự kết hợp của nhiều công cụ, chú trọng tới giảng dạy trực tuyến không theo thời gian thực.

GS. TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ về kết quả, chiến lược học tập trực tuyến

Buổi hội thảo "Đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo trực tuyến"  của Khoa Quản trị đã khép lại và tạo tiền đề cho các hoạt động hội thảo tiếp theo về đảm bảo chất lượng giảng dạy trực tuyến. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Khoa sẽ tiếp tục tổ chức các seminar về mục tiêu giảng dạy nhằm rèn luyện nhận thức và tư duy cho người học, đảm bảo chất lượng theo chuẩn đầu ra, chính sách cho đổi mới phương pháp giảng dạy trực tuyến và phát triển đội ngũ hướng tới đảm bảo chất lượng nhằm mang lại kết quả đào tạo tốt nhất.

Quý vị quan tâm vui lòng theo dõi thông tin tại các kênh thông tin của Khoa:

Website: http://qm.education.vnu.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/FACULTYOFQUALITYMANAGEMENT/

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFdpQRfqN9P1dr5RphnFCuA

11:04 20/04/2020

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ