XU THẾ CÔNG NGHỆ VÀ GIÁO DỤC THỜI ĐẠI 4.0

Ngày 29/04/2020, Khoa Quản trị chất lượng, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã tổ chức thành công Seminar “Xu thế công nghệ và giáo dục thời đại 4.0” nhằm mục tiêu trao đổi thông tin dẫn đến sự đồng thuận trong hoạt động giáo dục với khách mời chương trình là diễn giả TS Mai Văn Tỉnh, PGS.TS Lê Đức Ngọc và gần 70 giảng viên của trường tham dự qua phòng họp trực tuyến Zoom. Đây cũng là hoạt động thường niên trong chuỗi Seminar chuyên môn của Khoa Quản trị chất lượng nhằm không ngừng nâng cao, đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ vào quá trình dạy và học tập trực tuyến của trường.

Đến với buổi Seminar, diễn giả khách mời, TS. Mai Văn Tỉnh - Phó trưởng Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Hiệp hội các trường cao đẳng Việt Nam, Nguyên chuyên viên cao cấp, Vụ đại học, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ rất thiết thực về xu thế công nghệ và giáo dục thời đại 4.0. 

Xu thế phát triển công nghệ trong giáo dục

Nhờ có sự phát triển công nghệ thông tin mà mọi lĩnh vực đều gia tăng sử dụng thiết bị và đây cũng là xu thế tất yếu trong giáo dục. Lịch sử phát triển công nghệ cho thấy, giữa thập kỉ 90 của thế kỷ trước cho đến nay chỉ mới 25 năm song đã có sự phát triển mãnh mẽ khi chỉ có 200 triệu lượt sử dụng công nghệ từ Desktop PC đến năm 2010 -2020, đã có 10 tỷ lượt sử dụng và dự đoán đến năm 2030 sẽ lên đến 50 tỷ lượt sử dụng. Bên cạnh đó, công nghệ Web cũng đã có nhiều tiến bộ thông qua mạng thông tin Web 1.0, mạng truyền thông Web 2.0, mạng cộng tác Web 3.0 và mạng tích hợp Web 4.0. Tương tự là so sánh giáo dục (GD) GD 1.0, GD 2.0, GD 3.0 và GD 4.0 mới xuất hiện, nhấn mạnh hỗ trợ bởi cổng học tập dụa trên trí tuệ nhân tạo (AL). Đây là xu thế tất yếu và ông nghệ mới trong giáo dục 4.0 thường được thể hiện qua Big data, công nghệ cấy ghép, googles digital, internet vạn vật thể cho phép máy móc nói chuyện, smart city, nhà máy tự điều khiển, in 3D… Nhờ sự thuận tiện trong ứng dụng công nghệ, giáo dục 4.0 đã cung cấp cho người dạy và học tập những thông tin cơ bản về đổi mới, giám sát sản xuất thông tin.

 

TS. Mai Văn Tỉnh chia sẻ về xu thế phát triển công nghệ trong giáo dục

Đặc biệt, hướng đến xu thế phát triển công nghệ trong giáo dục, giới học thuật đại học cần nhấn mạnh bảy xu thế là ICT; thị trường hóa giáo dục đại học và khóa học; toàn cầu hóa, quốc tế hóa, khu vực hóa (phân kỳ, hội nhập để giữ được bản sắc dân tộc); xã hội mạng, xã hội tri thức tiến bộ; thay đổi trong văn hóa – xã hội và nhân khẩu (già hóa lực lượng lao động). Bên cạnh đó, giáo dục đại học cũng cần đảm bảo được kết quả học tập của sinh viên phải đáp ứng được lượng giá đầu ra và giá trị gia tăng của bằng cử nhân.

Yêu cầu năng lực cốt lõi cho nhân lực công nghệ 4.0

Triết lý giáo dục và ứng dụng thực tiễn đã cho thấy tầm quan trọng của việc xác định năng lực cốt lõi của bậc đại học để từ đó tái cấu trúc xây dựng tri thức, xác định các thuộc tính tốt nghiệp đại học của sinh viên, tìm hiểu cách đánh giá giá trị gia tăng của người học và cách thức xây dựng khung trình độ văn bằng quốc gia. Bởi vậy, để tạo môi trường hiệu quả cho học tập đa dạng, giáo dục trong bối cảnh công nghệ 4.0 cần phải thoát khỏi tâm lý thiết kế học theo hệ thống khép kín và thấy được thay đổi suy nghĩ ở đây chính là thay đổi mô hình học tập.

 

TS. Mai Văn Tỉnh chia sẻ về yêu cầu năng lực cốt lõi cho nhân lực công nghệ 4.0

Chất lượng dạy học phụ thuộc vào phương pháp, nội dung, người học, nhà giáo dục. Nếu những yếu tố này có chất lượng kém, công nghệ sẽ không thể sửa đổi chúng mà phải thay đổi quá trình học để có chất lượng tốt hơn. Chính vì vậy, giáo dục trực tuyến cần có sự khuyến khích, tạo động lực sử dụng công nghệ dạy học của giảng viên, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm số và xem xét tiếp cận công nghệ phù hợp

Giáo dục Online và LMS trong K12 và Giáo dục đại học

Thế giới đã và đang thay đổi để có kỹ thuật số tốt hơn và cho phép chương trình giáo dục trải qua quá trình tiến hóa từ truyền thống sang hiện đại là không bao giờ có thể đủ trong kỷ nguyên 4.0. TS. Mai Văn Tỉnh nhấn mạnh, trong quá khứ giáo dục đại học là tiến bộ xã hội, song hiện tại là tác nhân chính để thay đổi xã hội. Đối tượng giáo dục đại học hiện nay phải tái cấu trúc lại theo cấp độ quốc tế, cấp độ quốc gia và cấp độ nhà trường. Chính vì vậy, để tạo môi trường hiệu quả cho việc học tập đa dạng cần hiểu bản chất học trực tuyến thoát khỏi tâm lý thiết kế học theo hệ thống khép kín và hướng đến thay đổi mô hình giảng dạy.

TS. Mai Văn Tỉnh chia sẻ giáo dục online và LMS trong giáo dục đại học

Bên cạnh đó, cần thấy được vai trò to lớn của LMS trong giáo dục đại học chính là hướng dẫn mang tính xây dựng, linh hoạt hơn, xác định rõ mục tiêu người học ; Hỗ trợ học hợp tác trong và ngoài nhà trường, mở rộng môi trường học đến tận nhà, có thể liên hệ với phụ huynh; Đánh giá cá nhân tốt, theo dõi tiến độ học, đáp ứng nhu cầu người học; Tích hợp các hệ thống liền mạch, cải thiện hợp tác các bên liên quan; Cải thiện dự báo, phát triển nghiệp vụ giáo viên, hiệu quả chi phí và tận dụng tốt hơn nguồn lực hiện có trong nhà trường.

Thách thức và cơ hội trong tiếp cận công nghệ 4.0

Thay đổi năng lực tư duy, dạy học tích cực, kết nối thực sự là những thách thức trong tiếp cận công nghệ 4.0 vào dạy và học tập trực tuyến. TS. Mai Văn Tỉnh nhấn mạnh, “Chúng ta đang nghèo trong một nước giàu” và “Nếu chúng ta muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu chúng ta muốn đi lâu hãy đi cùng nhau”. Điều đó cho thấy, yếu tố con người cần được xem là yếu tố quyết định trong giáo dục hiện tại, vì thế cần có sự tác động đến đội ngũ quản trị, giáo viên trong việc tăng cường sáng tạo, linh hoạt trong đào tạo và giáo dục để đào tạo thế hệ giảng viên mới.

Theo TS. Mai Văn Tỉnh, sự tích lũy và sử dụng hiệu quả công nghệ là cách duy nhất để tiến lên phía trước, hướng tới xu thế phát triển công nghệ trong giáo dục. Cần cách mạng hóa việc cung cấp giáo dục cổ truyền để chuyển toàn bộ hoạt động dạy học sang môi trường học tập thông minh, online theo yêu cầu của thế giới thay đổi. Các tiếp cận về ứng dụng công nghệ được xem là công cụ mạnh nhất cho tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đã trải qua những thay đổi toàn diện về công nghệ để các tài liệu học tập cốt lõi, thông tin và kinh nghiệm học tập biến đổi được tiếp thu, sử dụng và lưu giữ một cách an toàn không thể nhầm lẫn trong đám mây. Chính vì vậy, chương trình giáo dục cần được điều chỉnh cho phù hợp với Thời đại Cạch mạng Thông tin/CN 4.0 mà chúng ta đang sống.

 

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ về những rào cản trong việc ứng dụng công nghệ dạy học

Chia sẻ về những rào cản ảnh hưởng tới việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy của người giáo viên, PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh đến việc thiếu hỗ trợ về ứng dụng công nghệ khi nhiều giáo viên ở trường cảm thấy không được chuẩn bị đủ để có thể tích hợp công nghệ vào trong lớp học. Ở nhiều trường học, giáo viên không có quyền truy cập đầy đủ vào những ứng dụng mà họ được hướng dẫn, không thể sử dụng đầy đủ chức năng bảng thông minh mà chỉ sử dụng chúng như máy chiếu, một số nơi còn chưa đủ máy tính thậm chí chất lượng truy cập internet còn không được đảm bảo. Bên cạnh đó, một rào cản phổ biết khác của người giáo viên trước những cái mới là kháng cự lại. Nhiều giáo viên vẫn đang bao biện là quá nhiều công nghệ là không tốt, cốt lõi giáo dục vẫn là tương tác giữa thầy và trò. Một số người sẽ có suy nghĩ lo lắng rằng công nghệ đang làm mất vai trò vị thế của người giáo viên. Vì thế một số giáo viên dẫu biết cách sử dụng công nghệ nhưng vẫn từ chối thay đổi bản thân và sử dụng chiến lược dạy học cũ. Bởi vậy, giáo viên cũng cần được hướng dẫn lập kế hoạch ứng dụng công nghệ giáo dục và công nghệ dạy học theo mục tiêu giáo dục, đáp ứng hoạt động giảng dạy trực tuyến.

Hội thảo Xu thế công nghệ và giáo dục thời đại 4.0 thu hút thầy cô tham gia

Buổi seminar chuyên môn về “Xu thế công nghệ và giáo dục thời đại 4.0” đã khép lại song đã cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ dạy và học hiện nay. Không ít thầy cô cảm thấy lo lắng, băn khoăn làm thế nào để vượt qua rào cản công nghệ và tiếp cận với kiến thức về môi trường giáo dục số và người học số trong thế kỷ 21, trở thành học trò được trải nghiệm trước khi sử dụng để giảng dạy. Bởi lẽ, để vượt qua được những rào cản về công nghệ, giáo viên và người học cũng cần được truyền cảm hứng bởi những người thích công nghệ qua những diễn đàn tập huấn hoặc hướng dẫn đồng đẳng. Vì vấn đề không phải chỉ là cách thức hoạt động và sử dụng ứng dụng công nghệ mà giáo viên cũng cần được hướng dẫn cách tích hợp công nghệ trong từng hoạt động chuyên môn hàng ngày khiến cho việc giảng dạy nhẹ nhàng hơn, thú vị hơn.

Quý thầy cô quan tâm vui lòng xem chi tiết buổi hội thảo theo link: https://bitly.com.vn/ZrYOe

Đặc biệt, tiếp nối buổi seminar chuyên môn, Seminar về “Dạy, học và kiểm tra đánh giá trực tuyến” sẽ được diễn giả PGS.TS Lê Đức Ngọc - Nguyên Phó trưởng Ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ vào sáng thứ 4 ngày 13/5/2020. Quý thầy cô quan tâm có thể đặt câu hỏi gửi về Email: quantrichatluongvnu@gmail.com

Thông tin chi tiết:

 

06:04 29/04/2020

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ