Dạy học các môn học bằng tiếng Anh trong nhà trường phổ thông

Ngày 29/12, Khoa Sư phạm đã tổ chức seminar “Teaching subjects in English at school: practical issues and challenges” – Dạy học các môn học bằng tiếng Anh trong nhà trường phổ thông: một số vấn đề thực tiễn và thách thức.

Các báo cáo viên được mời tham dự là ThS. Horace Vernall – Nguyên tổng hiệu trưởng trường TH school, tổng hiệu trưởng hệ thống giáo dục liên cấp Ban Mai, ThS. Abi Vernall – Giám đốc điều hành VEC (Vietnam education consultant) và TS. Vũ Thị Thanh Nhã – Trưởng khoa Tiếng Anh trường Đại Học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. GS. TSKH. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến tham dự và chia sẻ cùng với đông đảo các sinh viên, học viên, các giáo viên và nhà nghiên cứu tham gia seminar.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐHGD cho biết, Trường đã xây dựng nhiều học phần trong chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh

Phát biểu khai mạc seminar, GS. TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐHGD đã nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng như các lợi ích của tiếng Anh trong nghiên cứu, tìm học liệu cũng như tìm hiểu một những nền văn hóa khác ‘’tiếng Anh như một cửa sổ dẫn ta đến những chân trời mới’’. Trường ĐHGD đã xây dựng nhiều học phần trong chương trình đào tạo để giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh cũng như đã mở nhiều khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh cho giáo viên phổ thông.

 

PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm chia sẻ tại buổi tọa đàm

Tiếp sau đó , PGS.TS. Nguyễn Chí Thành – chủ trì tọa đàm chia sẻ về báo cáo “Traning teacher in teaching Maths and Sicence in English at the VNU – University of educatuon: CLIL approach and practice” chia sẻ về phương pháp tích hợp nội dung và ngôn ngữ, người học sẽ học kiến thức thông qua một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, do đó việc học giúp tiếp thu kiến thức môn học và ngôn ngữ một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, ThS. Đặng Minh Tuấn – Khoa Sư phạm, trường Đại học Giáo dục cũng giới thiệu về kinh nghiệm triển khai thực tiễn chương trình bồi dưỡng Giáo viên dạy các môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại trường Đại học Giáo dục và tại một số cơ sở như Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm.

 

Hình ảnh ông Horace Vernall chia sẻ báo cáo tại Seminar

Sau đó, ThS. Horace Vernall trình  bày về báo cáo “Challenges when delivering Maths and Sicence in English” -  Những thách thức trong việc dạy học Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh. Trong bối cảnh hiện nay, đại dịch Covid làm giảm thiểu số lượng giáo viên nước ngoài không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, chi phí thuê giáo viên nước ngoài rất lớn, vì vậy cần phải có nguồn nhân lực giáo viên bản địa dạy học các môn học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, khi dạy học, giáo viên chịu nhiều thách thức như rào cản về ngôn ngữ, phương pháp dạy học… Để có thể khắc phục, giáo viên cần chú ý cách tiếp cận về ngôn ngữ kĩ thuật và chủ đề cụ thể. Giáo viên phải có trình độ ngôn ngữ và được đào tạo đầy đủ để có thể đọc, hiểu và áp dụng về đặc điểm kỹ thuật chủ đề, các mục tiêu đánh giá, mở rộng kỹ năng ngôn ngữ của giáo viên như: Từ vựng chung, từ vững theo chủ đề, các từ lệnh, khái niệm… Và đặc biệt, cả giáo viên và học sinh cần phải nói và suy nghĩ bằng tiếng Anh, đắm mình trong môi trường tiếng Anh.

TS. Vũ Thị Thanh Nhã trình bày nội dung báo cáo tại Seminar

Chia sẻ tại seminar, GS. Trần Văn Nhung nhấn mạnh ý nghĩa của việc học các môn học thông qua và bằng tiếng Anh ‘’giúp người học có một cách tiếp cận mới khi học các nội dung mới; hiểu sâu sắc hơn ngôn ngữ mẹ đẻ; cập nhật được các kiến thức mới một cách nhanh và hiệu quả; hiểu thêm được các nét văn hóa mới.’’ GS. Nhung cũng cho rằng trường ĐHGD cần tổ chức thường xuyên hơn nữa các seminar về chủ đề này để các nhà nghiên cứu, giảng viên và giáo viên có cơ hội chia sẻ, trao đổi về một lĩnh vực còn mới mẻ tại Việt Nam. Trong báo cáo của mình, TS. Vũ Thị Thanh Nhã đã trình bày nội dung về “Content and language intergrated learning: An evolving pedagogy” – Tích hợp nội dung và ngôn ngữ trong dạy học. Để dạy học cần phải có môi trường cho học sinh và giáo viên thực hành trong môi trường ngôn ngữ. Phần tổng quan về các tiếp cận lí thuyết và thực hành trong dạy học bằng tiếng Anh rất thú vị và hữu ích cho các giáo viên và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Trình bày ngay sau đó, ThS. Abi Vernall đưa ra nội dung “Effective classroom Management for the new curriculum classroom” – Ảnh hưởng quản lí lớp học đối với chương trình giáo dục mới. Bà cho rằng giáo viên và học sinh phải làm việc cùng nhau để tạo ra một môi trường hỗ trợ mạnh mẽ cho sự thành công trong học tập, cá nhân và xã hội cho học sinh. Quản lí lớp học không phải là môi trường áp đặt kỷ luật bởi giáo viên mà là nơi các quy trình và hướng dẫn được học sinh và giáo viên đồng tạo ra để tạo ra một không gian học tập an toàn và khuyến khích, nơi học sinh xây dựng lòng tự trọng và kỷ luật tự giác suốt đời. Để xây dựng môi trường lớp học có quản lí, giáo viên có thể lên kế hoạch về chỗ ngồi, bối cảnh lớp học, mục tiêu lớp học, quy tắc ứng xử, chính sách khen thưởng…

Bà Abi Vernall trình bày báo cáo tại Seminar

Các báo cáo đã tạo ra nhiều hứng thú, những suy nghĩ tích cực khơi nguồn cảm hứng cho các sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu tham dự. Các khách mời tham dự như ThS. Nguyễn Thành Chung – Hiệu trưởng trường trung học Ban Mai, TS. Hoàng Thanh Tú – Hiệu trưởng trường trung học Pascal, các giảng viên trường đại học Hùng Vương đưa ra rất nhiều câu hỏi thảo luận thú vị xoay quanh các vấn đề chương trình dạy học tiếng Anh các trường học ở Việt Nam, khóa học bồi dưỡng đào tạo giáo viên dạy học các môn học bằng tiếng Anh, tiêu chí so sánh trong việc đánh giá mức độ nhận thức của người học tiếng Anh và người không học tiếng Anh, phương pháp dạy học tích hợp nội dung và ngôn ngữ CLIL…

Buổi Seminar đã khép lại thành công tốt đẹp, mang lại nhiều hướng tiếp cận mới cho giáo viên trong dạy học môn học bằng tiếng Anh tại trường phổ thông. Những trăn trở về bối cạnh hiện tại, những suy nghĩ về phương pháp dạy học phần nào được giải đáp giúp cho giáo viên, nhà nghiên cứu, sinh viên sư phạm có góc nhìn mới, hướng tuy duy mới.

Khoa Sư phạm

04:12 29/12/2020

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ