Hội thảo “Đánh giá học tập của học sinh theo hướng tiếp cận năng lực” diễn ra tại Trường Đại học Giáo dục

Là một trong những đơn vị đào tạo tiên phong trong lĩnh vực đổi mới giáo dục – Trường Đại học Giáo dục (ĐHGD) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội luôn chú trọng tới công tác nghiên cứu chuyên sâu, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc của Giáo sư (GS) Micheline – Joanne Durand, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Đánh giá, Đại học Montreal, Canada  tại Việt Nam theo lời mời của trường Đại học Giáo dục, hội thảo “Đánh giá học tập của học sinh theo hướng tiếp cận năng lực” Trường Đại học Học Giáo dục đã được tổ chức với sự tham dự của PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Đức Huy – Phó Hiệu trưởng cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài  Trường ĐHGD.

Chương trình hội thảo được thiết kế với 2 mô đun: mô đun 1 về Đánh giá học tập theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, sự tham gia của học sinh trong quá trình đánh giá, sử dụng hồ sơ học tập như một chiến lược để đánh giá năng lực học sinh; mô đun  2 về: Dạy học phân hóa/giảng dạy khác biệt, thiết kế hoạt động trong dạy học phân hóa.

Trong phần thứ nhất của buổi hội thảo, Giáo sư đã giới thiệu các xu hướng sư phạm trong mối liên hệ với kiểm tra đánh giá: tiếp cận mục tiêu, tiếp cận đánh giá tập trung vào việc dạy và đánh giá tập trung vào việc học, đặc biệt là đánh giá theo tiếp cận năng lực. Một số khái niệm lý thuyết quan trọng trong đánh giá kết quả học tập được nêu rõ như: điều chỉnh sư phạm theo các cấp độ chủ động (proactive regulation – Perenoud 1997), tương tác (intéractive régulation – Allal 1991), phản hồi (retroactive régulation; chuẩn đánh giá (Referentiel d’évaluation, Gillet 1991), các cấp độ của năng lực theo tiếp cận Le Boterf 2005) như biết hành động, có thể hành động, mong muốn hành động), theo tiếp cận của Bernard Rey, 2003 như năng lực sơ cấp, năng lực sơ cấp và giải thích tình huống, năng lực phức hợp. Đặc biệt khái niệm tình huống năng lực (Situation de compétence) và các khái niệm liên quan như đánh giá thực (authentic assessment của Paris & Ayres, 1994; Wiggins, 1998) đã được GS trình bày một cách hệ thống. 

Nhiều đại biểu tham dự đã đặt ra các vấn đề liên quan đến việc đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông, đặc biệt ở bậc Tiểu học tại Việt Nam như:

• Khó khăn của giáo viên tiểu học trong việc đánh giá định tính?

• Học sinh có thể can thiệp như thế nào trong quá trình đánh giá năng lực?

• Tiêu chí đánh giá tính hiệu quả trong quá trình tiếp cận năng lực của học sinh?

• Trong các chuẩn năng lực của giáo viên ở Canada (12 năng lực), năng lực đánh giá được mô tả cụ thể như thế nào (thành phần năng lực; cấp độ năng lực cần đạt…)?

GS. Durand và các đại biểu đã có những trao đổi, thảo luận sôi nổi về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là vấn đề đánh giá học tập của học sinh theo hướng tiếp cận năng lực. Ngoài ra Giáo sư cũng đưa ra những nhận định và liên hệ với hồ sơ học tập (theo tiếp cận của Bangert-Drowns, 1991), sự hiệu quả của các phản hồi; cấp độ của phản hồi (nhiệm vụ, quá trình, tự điều chỉnh, vai trò cá nhân).

Hình ảnh đại biểu tham dự sôi nổi thảo luận và thống nhất trong một tình huống sư GS. Durand đưa ra 

Trong phần thứ hai của buổi hội thảo, dành chủ yếu cho các hoạt động thực hành GS đã giới thiệu một số tình huống về dạy học phân hóa/giảng dạy khác biệt, thiết kế họat động trong dạy học phân hóa sau khi đưa ra một số khái niệm cơ bản như dạy học phân hóa, các khái niệm cơ bản: các chiến lược, cấp độ dạy học phân hóa (download tài liệu phần này).

Hầu hết các đại biểu đều có chung nhận định: dạy và học theo hướng tiếp cận năng lực người học là chìa khóa để đổi mới giáo dục và để thực hiện đổi mới trong giáo dục thì cả người dạy và người học cần phải xác định được hướng tiếp cận, mục tiêu của việc dạy và học, xác định ngưỡng nhận thức năng lực phù hợp và đưa ra đánh giá tính hiệu quả trong và sau quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh.

Hội thảo diễn ra thành công đã góp phần xây dựng hình ảnh Trường ĐHGD - ĐHQGHN, thực hiện mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu và sẽ là điểm đến của tri thức thế giới.


    UED Media


12:06 02/06/2016

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ