Tọa đàm: "Kinh nghiệm và phương pháp học tập cho sinh viên"

Tham dự Tọa đàm có TS. Nguyễn Đức Huy – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đại diện Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên; đại diện Phòng Đào tạo; Ban Chủ nhiệm Khoa Sư phạm; Khoa các Khoa học Giáo dục; Đoàn Thanh niên; các Cố vấn học tập cùng toàn thể sinh viên các khối ngành.

Chương trình Tọa đàm “Phương pháp và kinh nghiệm học tập cho sinh viên” do Phòng Công tác Học sinh - Sinh viên là đơn vị đầu mối triển khai nhằm mục đích giúp sinh viên năm thứ nhất các khối ngành hình thành được kế hoạch học tập, có phương pháp học tập và tham gia nghiên cứu khoa học hiệu quả nhất, thoát khỏi cách học cũ ở THPT, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của sinh viên trong học tập. Đồng thời tạo sự gắn kết giữa thầy và trò ngày càng chặt chẽ, thân thiết hơn cũng như tạo điều kiện để cho sinh viên năm thứ nhất có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học với đội ngũ giảng viên và sinh viên khóa trên.

Ngoài ra, tại buổi Tọa đàm, sinh viên đã trao đổi các nội dung khác liên quan như cách khai thác, chọn lọc thông tin và lựa chọn tài liệu phục vụ học tập, các thức đăng ký và tham gia nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng bổ trợ, kỹ năng sống, học thêm ngoại ngữ cho sinh viên năm thứ nhất…

Tất cả những băn khoăn, lo lắng của sinh viên cũng được Ban Giám hiệu, lãnh đạo các Phòng chức năng, các Khoa, cố vấn học tập và giảng viên tháo gỡ đồng thời đưa ra cho các em những lời khuyên bổ ích.

Chuỗi những buổi Tọa đàm “Phương pháp và kinh nghiệm học tập cho sinh viên” ở mỗi khối ngành đã đảm bảo được tính thiết thực và hiệu quả giúp sinh viên xác định được phương hướng và kế hoạch học tập nhằm đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời đây cũng là dịp để Nhà trường lắng nghe, giải đáp những ý kiến đóng góp, những trăn trở thắc mắc của sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho sinh viên Trường Đại học Giáo dục học tập và nghiên cứu trong 04 năm đại học.

 

Buổi tọa đàm Khối ngành Sư phạm Lịch Sử

Dưới đây là một số kinh nghiệm học tập hiệu quả được sinh viên Trường Đại học Giáo dục tích lũy và chia sẻ trong chuỗi các Tọa đàm:

  • Xác định động cơ học tập đúng đắn: trước hết bạn cần phải trả lời câu hỏi: Học cho ai? Học để làm gì? Những năm ngồi trên ghế trường đại học có ý nghĩa như thế nào? Để thấy rằng học là phục vụ thực tế và mục đích cao hơn nữa là học để cải tạo và hướng dẫn thực tế. (câu này không ổn!)
  • Xây dựng kế hoạch học tập chi tiết có sự tham vấn của anh chị khóa trên và của các thầy cô cố vấn học tập sẽ giúp bạn hoàn thành khóa học một cách hiệu quả nhất.
  • Đọc trước giáo trình và tài liệu liên quan trước khi lên giảng đường, việc này giúp sinh viên định hình và chủ động lĩnh hội kiến thức, giảng viên đánh giá cao sự nỗ lực và kiến thức của bạn sẽ đọng lại trong bạn lâu hơn.

 

  • Lập nhóm học tập: có một nhóm bạn cùng học, cùng hỗ trợ nhau là điều nên và cần thiết, nhóm học tập sẽ cùng giúp nhau ôn bài, cùng mua tài liệu, cùng ôn thi và cùng nhau tăng sự hứng thú hoặc cùng nhau tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động nghiên cứu khoa học.
  • Đọc sách là con đường ngắn nhất để tích lũy tri thức. Ngay từ thời sinh viên, hãy tạo thói quen đọc sách chính là tạo động cơ học tốt hơn, làm cơ sở để NCKH đạt kết quả cao. Đặc biệt với việc học tập theo tín chỉ thì yêu cầu sinh viên tự học lại càng trở nên thiết yếu. Việc sinh viên tự nghiên cứu tài liệu là một trong các nhân tố quyết định đến kết quả học tập.
  • Đặt việc học tập lên trên tất cả các hình thức tiêu khiển (facebook, lướt web, điện thoại, chơi game, ngủ nướng…) do các kênh này có thể gây nghiện, tạo thói quen ỷ lại, lười biếng và đánh cắp thời gian quý báu giành cho việc học. Hậu quả là chúng ta dễ sao nhãng và bỏ bê việc học tập...

 

Tiết mục văn nghệ của Khối ngành Sư phạm Vật lý

  • Tham gia các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động văn hóa – thể thao – giải trí sẽ giúp các bạn giải tỏa căng thẳng sau giờ học mệt mỏi, tạo tinh thần thoải mái. Đặc biệt không thể phủ nhận những lợi ích mà các hoạt động ngoại khóa mang lại như: phát triển các kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập, giao lưu và tổ chức các hoạt động giúp các bạn tự tin hơn cho công việc đứng lớp sau này.
  • Đừng ngại ngùng khi đặt câu hỏi ngay trên lớp. Hãy mạnh dạn nêu ý kiến và đặt câu hỏi về những thắc mắc và quan điểm của mình, những vấn đề mà bạn chưa hiểu hoặc chưa thấy phù hợp. Đừng ngần ngại khi phải gặp các thầy cô, các Cố vấn học tập bởi giảng viên luôn khuyến khích tinh thần ham học hỏi của sinh viên.
  • Hãy bắt đầu học ngoại ngữ ngay từ bây giờ. Sau khi kết thúc học kỳ 1 năm thứ nhất là lúc bạn phải nghĩ đến việc đầu tư cho việc học ngoại ngữ. Đây sẽ là hành trang không thể thiếu khi các bạn ra trường và tìm kiếm việc làm phù hợp. Đối với việc học ngoại ngữ thì yêu cầu căn bản nhất đối với người học là tạo cho mình sự đam mê, kiên trì, bạo dạn và thực hành thường xuyên.

 

Để bổ sung thêm thực tiễn trong cách học tập sao cho hiệu quả, các thầy cô Cố vấn học tập, giảng viên và các cán bộ các phòng chức năng  đã có rất nhiều chia sẻ bổ ích với các bạn sinh viên về kinh nghiệm cũng như phương pháp học tập và quản lý thời gian của mình, cách học tiếng Anh hiệu quả hay cách săn tìm các học bổng… Các buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí cởi mở, thân thiện. Thông qua buổi tọa đàm, sinh viên đã thu nhận được những thông tin bổ ích và lý thú. Buổi tọa đàm đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với sinh viên và thông qua những buổi tọa đàm này, dù ít hay nhiều các bạn sinh viên cũng đã có riêng cho mình những kinh nghiệm để áp dụng vào quá trình học tập và nghiên cứu khoa học để đạt được mục tiêu trên con đường của riêng mình.

Tin liên quan:

Tọa đàm “Kinh nghiệm và phương pháp học tập cho sinh viên năm thứ nhất”

 

UED Media

12:04 10/04/2017

Sự kiện

Trường đại học giáo dục
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
Điện thoại: (024) 7301 7123
Email: education@vnu.edu.vn
 
© UED. All Rights Reserved.Quay trở lại website cũ